Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Hạn chế ùn tắc và giảm tai nạn giao thông năm 2012: Bộ trưởng công an đề xuất 8 giải pháp

Hạn chế ùn tắc và giảm tai nạn giao thông năm 2012: Bộ trưởng công an đề xuất 8 giải pháp

Đại Đoàn Kết - 13 giờ trước 106 lượt xem
* 10 tháng đầu năm 2011, có tới 9.265 người chết, 8.379 người bị thương

Ngày 28-11-2011, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác trật tự an toàn giao thông năm 2012. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia chủ trì hội nghị.

Để kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông,
đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn xã hội
Tai nạn, ùn tắc: Hiểm họa tiềm ẩn đối với trật tự xã hội
Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2011, toàn quốc xảy ra 11.036 vụ, làm chết 9.265 người và bị thương 8.379 người. Trong khi đó, 10 tháng đầu năm đã xảy ra 172 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 1 giờ, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra ùn tắc cục bộ trong giờ cao điểm. Theo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, nguyên nhân ùn tắc có đến 44% do tai nạn giao thông; 23% do lưu lượng phương tiện quá năng lực hạ tầng; và 19% do xe hỏng. Việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ chưa mạnh mẽ, chưa tiến hành di dời các cơ sở giáo dục, y tế đông người ra ngoại thành, xây dựng nhiều nhà chung cư cao tầng tại những nơi có mật độ dân số cao...
Trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt toàn quốc đã kiểm tra xử lý 5.705.447 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, nộp kho bạc Nhà nước hơn 1.583 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 218.213 trường hợp; tạm giữ 21.336 xe ô tô, 492.193 xe mô tô, xe máy và 4.063 phương tiện khác. So với cùng kỳ năm 2010 thì tiền phạt tăng hơn 112 tỷ đồng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho rằng, kết quả kiềm chế giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông chưa bền vững, số người chết do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Theo Bộ trưởng, số liệu thống kê bình quân ở nước ta mỗi năm có 11.929 người chết và 9.290 người bị thương do tai nạn giao thông; tình hình ùn tắc giao thông kéo dài vẫn diễn ra ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trên một số tuyến quốc lộ trọng điểm. "Đó thực sự là thách thức và là nguy cơ, hiểm họa tiềm ẩn đối với an sinh và trật tự xã hội”-ông Thăng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho biết, phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, đó cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Việc phát triển đô thị chưa đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông vận tải, nhiều khu vực xây dựng chung cư nhưng mạng lưới đường không tăng thêm, nhiều khu đô thị mới xây dựng chưa có hệ thống giao thông hoàn chỉnh kết nối với mạng lưới đường hiện có, thiếu các cầu vượt sông, hoặc có cầu nhưng tải trọng thấp chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông đi lại của người dân. Theo ông Nguyễn Thế Thảo, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông quá thiếu, hiện chỉ chiếm khoảng 7-8% đất xây dựng đô thị, trong khi đó mức yêu cầu hợp lý cho một đô thị hiện đại là từ 20-26%.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài
Theo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, năm 2012 là năm An toàn giao thông đầu tiên theo Nghị quyết của Chính phủ. Chính vì vậy, các ngành, các cấp, địa phương cần tăng cường các lực lượng hướng dẫn giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lập lại trật tự trong quản lý lòng đường, vỉa hè, đẩy mạnh và thường xuyên tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm cá nhân và tổ chức vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng, để giảm ùn tắc giao thông trước hết phải bố trí lệch giờ làm việc, học tập trong ngày giữa các đối tượng học tập, làm việc, kinh doanh. Đồng thời, tổ chức lại giao thông khoa học, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông đô thị như: phân làn giao thông một chiều; cấm xe taxi, ô tô cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến phố... Cùng với đó là việc phát triển mạnh mẽ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tăng tần suất lượt xe giờ cao điểm, bổ sung phương tiện xe buýt, tăng số tuyến xe buýt đến các vùng ngoại thành. Còn về lâu dài khi quy hoạch các khu đô thị phải đáp ứng quỹ đất dành cho giao thông theo Luật Giao thông đường bộ từ 16-26%. "Đối với ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông cần tăng cường và nâng cao năng lực công tác cưỡng chế thi hành pháp luật, đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý và áp dụng các biện pháp mạnh đối với hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông”-ông Thăng nhấn mạnh. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng, cần sửa đổi Bộ Luật hình sự, bởi hiện nay hành vi xử phạt đối tượng chống đối lại người thi hành công vụ đang ở mức nhẹ, khi mức xử phạt chỉ dừng ở cảnh cáo hay án treo, do vậy không đủ sức răn đe.
H.Vũ
Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc:
Cần thiết lập lại trật tự kỷ cương trong đào tạo, sát hạch lái xe

Trật tự an toàn giao thông đang là vấn đề bức xúc trong xã hội, đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Để giải quyết vấn đề này cần các giải pháp tổng thể, toàn diện và lâu dài, nhưng trước mắt cần có các giải pháp cấp thiết để giảm tai nạn, chống ùn tắc. Bên cạnh đó, cần thiết lập lại trật tự kỷ cương trong đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm xe cơ giới, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các lực lượng làm công tác này nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết không để lòng đường, vỉa hè của các thành phố làm nơi bán hàng, trông giữ ôtô, xe máy.
Bộ Trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang:
Hạn chế phát triển và lưu hành phương tiện cá nhân

Cần triển khai thực hiện ngay 8 giải pháp cấp bách trước mắt để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông như: tiếp tục tổ chức lại giao thông; Các cặp tuyến phố đi một chiều, phân làn xe ô tô, mô tô, xe máy riêng đối với các tuyến đủ điều kiện; Tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông, Thanh niên tình nguyện, bảo vệ dân phố điều khiển, hướng dẫn giao thông; nhất là tuyến trọng điểm và giờ cao điểm. Giải quyết quyết liệt tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè trái phép để trả đường cho giao thông, hè phố cho người đi bộ. Bên cạnh đó cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để hạn chế phát triển và lưu hành phương tiện cá nhân. Đặc biệt, có sự điều chỉnh lại giờ làm việc, học tập, kinh doanh ở một số thành phố lớn.
Thùy Dương(ghi)

Bảo vật quốc gia: Hào quang của cây đèn hình người quỳ



Nhà khảo cổ học Thụy Điển Olov Janse không phàn nàn gì khi ô tô lạc đường ở Thanh Hóa trong buổi chiều nhá nhem tối năm 1935. Nhưng ông sẽ phải cảm ơn đôi mắt kém của người tài xế vì nhờ anh ta mà ông tìm thấy cây đèn cổ có một không hai.
Olov Janse đã mất một ngày ròng rã tại Lạch Trường, Thanh Hóa, để tìm dấu vết của một di vật mà ông có trong tay. Đó là một đồ gia dụng bằng sứ thời Tống. Bao quanh làng ven biển là tre xanh rậm rạp và cây xương rồng ngổn ngang không ai đi qua được. “Chúng tôi phát hiện vị trí người ta tìm thấy một phần cổ vật - một khu mộ thời Tống. Tuy vậy khai quật thử cho thấy cánh đồng đã bị bọn trộm cổ vật sục sạo. Không gì lớn đáng được quan tâm về mặt khảo cổ. Chúng tôi thất vọng ra về”, trong nhật ký khảo cổ của mình ông ghi lại.
Nhưng rồi trí nhớ và đôi mắt kém của người lái xe tên Chúc lại dẫn ông vào một cuộc phiêu lưu mới. “Chúng tôi đi tiếp. Trong lúc để ông Chúc tạt vào một nhà dân hỏi đường, tôi đi quanh vườn để xem xét. Rồi sự tò mò được đền đáp. Ngay cạnh khu nhà, có một ngôi mộ to cao trên một khu đất hình chữ nhật dài khoảng 15m. Tôi biết ngay gò đất cao này là khu mộ lớn từ thời Hán. Tôi cũng biết rằng khu mộ này chắc hẳn không phải đơn độc, mà phải có một ngôi mộ thứ hai cạnh đó”.

 "
" Cây đèn hình người quỳ hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Ảnh: Tư liệu
Chỉ một thoáng sau, Janse và đồng nghiệp là Renée đã tìm thấy khoảng nửa tá mộ lớn khác trong một diện tích tương đối nhỏ gần đó. Họ ghi lại dấu tích trên bản đồ để sau này có thể tìm lại được trước khi trở về thị xã Thanh Hóa. Một công việc đã mở ra…
Ngôi mộ thứ ba
Thỏa thuận với các chủ đất để có thể tiến hành khai quật diễn ra suôn sẻ. Nhưng ngôi mộ đầu tiên cho thấy bọn trộm cổ vật đã nhanh chân hơn các nhà khảo cổ. Ngôi mộ thứ hai cũng trong tình trạng bị “chôm chỉa” tương tự.
Sự nghèo nàn của hiện vật khai quật chỉ chấm dứt khi các nhà khảo cổ khai quật ngôi mộ thứ ba. Nắp mộ mong manh chưa bị ai động đến đã mách bảo đây là ngôi mộ đầu tiên từ thời Hán chưa bị xâm hại. Điều đó đúng. Ngay khi đào chưa sâu, nhóm đã phát hiện một lượng lớn bát sành bóng còn nguyên vẹn và phần lớn màu trắng, được nung già lửa.
Những nghiên cứu sau này cho thấy đồ gốm trong mộ do người Trung Hoa sản xuất. Mặc dù vậy, sản phẩm kim loại lại chịu ảnh hưởng Ấn - Hy Lạp cổ. Đây là điều đặc biệt thú vị. Trong ngôi mộ thứ ba này, ngoài một thanh kiếm sắt còn có một cây đèn bằng đồng hình người quỳ bằng đầu gối, một hình người cũng bằng đồng, nhiều chũm chọe. Những đồ tìm thấy đặc biệt ở chỗ, chúng là những cổ vật hiếm hoi và không theo kiểu chôn đồ tế lễ dưới thời Hán.
“Nhưng điều kỳ diệu nhất chính là một vật kim loại đã gỉ, được cát bao bọc mà ngay lúc đó, không ai có thể nhận ra đó là vật gì”, Janse cho biết.
Cây đèn kỳ bí
“Với dao làm bằng tre và bàn chải, chúng tôi đã làm sạch dần cát bám xung quanh và có thể khẳng định đây là một bức tượng đồng hiếm có”, ông Janse miêu tả rất rõ trong nhật ký khảo cổ.
Bức tượng đồng chính là cây đèn được làm theo hình người quỳ gối. Hai vai và trên lưng có 3 cành chữ “S”. Mỗi nhánh chữ “S” này đỡ một bát đèn dầu. Mỗi một cành lại có một hình người hai tay ôm lấy ở phần cuối. Giữa mỗi cành lại có một hình người nhỏ đang quỳ. Tay của những hình người này đang chắp lại vái hướng vào nhau. Cử chỉ của hình người này cho thấy họ là những vũ công. Ngoài ra, trên chân của những tượng này có 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ. Hai nhạc công là người thổi sáo và hai nhạc công khác đang chơi một loại nhạc cụ chưa rõ.
Tóc của người quỳ được mô tả bằng những cuộn hình xoáy ốc. Đây là đặc điểm thường thấy đối với các tượng Phật Budda của Ấn Độ và Viễn Đông. Nó cũng rất tiêu biểu cho nghệ thuật Gandhara Hy Lạp cổ đại.
Vành khăn trên trán bức tượng cho thấy dấu hiệu của bậc vương giả. Con mắt không nhìn xuôi mà có tỷ lệ lớn và mở rộng. Theo văn hóa Hy Lạp cổ đại, điều này chứng tỏ sắc đẹp của người được miêu tả. Hình trên các cánh tay cũng được trang trí tinh tế. Vòng bụng đầy đặn thể hiện sự sung túc của chủ nhân. Trên hai vai và ngực mang đồ trang sức có thể hình dung là một chuỗi hoa sen hoặc đồ trang sức được trang trí hoa văn hoa sen. Các cánh tay đeo vòng và xung quanh bụng có đeo thắt lưng. Những vật trang sức này đều mang mô típ hoa sen.
Mặc dù người đàn ông ở tư thế quỳ nhưng đây không phải là người hầu hạ hoặc người ở vị trí thấp hèn như người ta thường thấy. “Vương miện” và những vật trang điểm cho thấy đây là bức tượng thể hiện một bá tước hoặc một vị thánh. Trong tương quan với các nhạc công, vũ nữ đang cầm đèn, người quỳ cũng có kích cỡ lớn hơn nhiều. Mà trong nghệ thuật cổ điển, chính quan hệ kích cỡ này thể hiện sự khác nhau về cấp bậc giữa một vị thánh với người bình thường khi sắp xếp cạnh nhau.
Những cành cây chữ S của cây đèn này hết sức tự nhiên. Viện bảo tàng Toronto cũng lưu giữ một cây đèn nhiều nhánh của Trung Hoa mà các nhánh cũng được làm như cành cây. Do đó, có thể kết luận cây đèn hình người mang trên vai và sau lưng mình những cành cây. Điều này gợi nhớ đến việc vị thần cổ đại Hy Lạp trông nom cái chết và sự sống thường được vẽ với những cành cây cắm sau lưng.
Theo Janse, nếu như cây đèn thể hiện nền văn hóa Hy Lạp chịu ảnh hưởng bởi tôn giáo thần bí thì người ta cũng phải tính đến khả năng ngay cả ánh sáng đèn cũng nhằm hoàn thiện một chức năng thần bí. Trong các tôn giáo thần bí phương Đông, những hoạt động tế lễ vào ban đêm thì ánh sáng đóng vai trò cơ bản. Điều này có quan hệ gần gũi với những ý tưởng về vũ trụ bao la và được xem là phản ánh sự cao quý của mặt trời, trăng, sao.
Chính vì thế, theo nhà nghiên cứu này, ánh sáng của cây đèn mà giờ đã là bảo vật quốc gia này có thể được hiểu như ánh hào quang chói lọi. Chính hào quang ấy đem lại cho con người lòng tôn kính thần thánh, tín ngưỡng và sự bất tử.            
Ngô An

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Ngày đầu thông xe hầm Thủ Thiêm: Xe chết máy, người đi xe đạp, đi bộ trong hầm


Đúng 6 giờ hôm qua (21.11), đường hầm Thủ Thiêm chính thức cho phép xe lưu thông. Theo quan sát của PV Thanh Niên, lượng xe đi qua hầm vào sáng sớm không nhiều, chủ yếu là xe gắn máy. Tuy nhiên, khoảng từ 8 - 9 giờ, lượng xe gắn máy tăng lên rất đông do có nhiều người dân vào hầm để tham quan.
 
Xe đạp bị cấm lưu thông nhưng sáng 21.11 vẫn có người đi qua hầm - Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo Trung tâm quản lý đường hầm Thủ Thiêm (gọi tắt là trung tâm), vào đầu giờ chiều, lượng xe gắn máy vào tham quan giảm, chủ yếu là xe chạy thẳng, trong khi có rất đông xe ô tô tải và ô tô khách lưu thông. Đã có một vài trường hợp người đi xe đạp và đi bộ qua hầm (những đối tượng bị cấm lưu thông); một vài xe gắn máy bị chết máy do xe hỏng, hết xăng.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc trung tâm, cho biết những trường hợp xe bị chết máy bên trong hầm, người dân nên gọi điện thoại khẩn cấp để được trợ giúp. Bên trong đường hầm, cứ khoảng 50m là có bố trí điện thoại khẩn cấp (bên cạnh vị trí cứu hỏa), người lái xe chỉ cần nhấc máy là sẽ được kết nối ngay với bộ phận tiếp nhận thông tin.
Cũng trong ngày đầu tiên, phần đông người đi xe gắn máy qua hầm đều không sử dụng loại nón bảo hiểm chụp kín tai để giảm ảnh hưởng của tiếng ồn, theo khuyến cáo của Sở Giao thông vận tải. Sở cũng khuyến cáo người đi xe gắn máy hạn chế chở trẻ em qua hầm; nếu cho trẻ em lưu thông cần có dụng cụ bịt tai để giảm ảnh hưởng của tiếng ồn, đặc biệt khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trong hầm.

Phải triệt để và thực tế

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

EVN kinh doanh thua lỗ dân phải gánh chịu

20/11/2011 - 00:12


(PL)- Số tiền hơn 10.000 tỉ đồng lỗ của tập đoàn này sẽ được hạch toán vào giá điện trong những đợt điều chỉnh sắp tới.
Đó là con số được Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố tại buổi họp báo về giá điện năm 2010 diễn ra chiều 19-11 tại Hà Nội.
EVN than lỗ triền miên
Theo Bộ Công Thương, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn hệ thống thực hiện năm 2010 là 85,674 tỉ kWh; sản lượng điện sản xuất và mua ngoài là 95,472 tỉ kWh; tỉ lệ tổn thất lưới điện truyền tải và phân phối là 10,15%. Tổng doanh thu bán điện năm 2010 là 90.934 tỉ đồng, tương ứng giá bán điện bình quân thực hiện là 1.061,4 đồng/kWh điện thương phẩm. Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2010 là 101.096 tỉ đồng, tương ứng với giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 là 1.180 đồng/kWh điện thương phẩm.
Năm 2010, sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 10.162 tỉ đồng, chưa tính đến lỗ/lãi tại các công ty cổ phần điện mà EVN góp vốn. Chi phí còn treo lại chưa được tính hết vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2010 bao gồm khoản lỗ chênh lệch tỉ giá là 15.463 tỉ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn còn lại là 356 tỉ đồng.
Giải thích nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ trên, ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN, cho biết trong năm 2010, do thiếu hụt nguồn nuớc nghiêm trọng nên sản lượng thủy điện thấp, EVN phải huy động các nhà máy chạy dầu và mua điện ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá bán điện bình quân, làm tăng chi phí rất lớn so với kế hoạch chi phí được duyệt trong phương án giá điện năm 2010. “Ngoài ra, việc chậm tiến độ của một số nhà máy điện, biến động tỉ giá hối đoái, biến động giá nhiên liệu cũng là những nguyên nhân gây lỗ trong sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2010” - ông Thanh lý giải thêm.


Thi công một đường dây điện tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Đại diện EVN khẳng định tất cả các hợp đồng mua bán điện của EVN đều có sự kiểm soát của Bộ Công Thương. Mỗi kWh hiện nay EVN lỗ 300 đồng. Do đảm bảo an sinh xã hội nên không được tăng giá, trong khi muốn ra 1 tỉ kWh điện thì phải chi 4.000 tỉ đồng; chỉ cần 3 tỉ kWh chạy dầu là EVN bị lỗ tới gần 10.000 tỉ đồng.
Bộ Công Thương không bật đèn xanh?
Lý giải thêm về chuyện tăng giá điện trong năm 2010, Thứ truởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết năm 2010, phương án được Chính phủ phê duyệt là tăng giá điện so với năm 2009 là 6,8%. Tuy nhiên, giá điện thực tế thực hiện năm 2010 có thể tăng đến 9% so với giá của năm 2009. Ở đây là do cách tính và giá điện hằng năm được điều chỉnh từ ngày 1-3 hằng năm. Khi xây dựng phương án điều chỉnh giá điện cho năm 2010 thì được tính theo chu kỳ từ 1-3-2009 đến 1-3-2010. Phương án giá điện được duyệt năm 2010 là 1.058 đồng/kWh, nếu chia cho giá bình quân theo chu kỳ trên thì giá thực hiện của năm 2010 tăng 6,8%.
Trong báo cáo của Bộ Tài chính, nếu tính giá điện từ 1-1-2009 đến 31-12-2010 thì giá được phê duyệt là 1.058 đồng, tương đương tăng lên 9%. Như vậy, việc có hai con số khác nhau là do cách tính. “Ở đây không có gì là khuất tất hay là tại sao có chuyện Bộ Công Thương bật đèn xanh” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.
Theo ông Vượng, có một thực tế là không chỉ các nhà máy điện nhỏ và vừa mà cả những nhà máy trung bình cũng đang phải chịu lỗ khi sản xuất, phát điện cho lưới điện quốc gia. Lỗ ở đây không phải chỉ với các nhà máy điện của các nhà đầu tư tư nhân mà ngay cả EVN là tập đoàn của Nhà nước cũng đã phải lỗ hơn 10.000 tỉ đồng.
Trước thực tế đó, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh thêm, trong năm 2010, giá thành sản xuất kinh doanh điện tính ra là 1.080,4 đồng, trong khi đó giá bán bình quân cho người tiêu thụ cuối cùng mới chỉ 1.061 đồng. Như vậy, nếu tính gộp lại, hầu hết DN trong ngành điện đều bị lỗ. DN càng phát điện nhiều bao nhiêu càng lỗ bấy nhiêu. Do đó, Chính phủ mới cho phép Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện theo thông số đầu vào cơ bản gồm giá nhiên liệu, tỉ giá, cơ cấu phát điện.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết mục tiêu lâu dài trong điều chỉnh giá điện là để các nhà máy sản xuất điện có được một mức lãi phù hợp, từ đó kêu gọi được nhà đầu tư vào các dự án điện. Đến thời điểm này, không có chuyện lợi ích nhóm trong giá điện “bởi Bộ đang điều hành giá điện ở một mức mà người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Cũng chính vì chính sách đó nên giá điện bán ra hiện nay đang thấp hơn so với giá thành sản xuất”.
Lỗ nhưng lương vẫn cao
Ông Phạm Lê Thanh nói đây là lần đầu tiên EVN bị lỗ và đơn vị này đang có chủ trương thoái vốn toàn bộ phần kinh doanh ngoài ngành, trong đó trước mắt theo chỉ đạo của Thủ tướng, EVN Telecom sẽ sáp nhập với Viettel. Hiện tại Viettel và EVN Telecom đang tiến hành rà soát để báo cáo Thủ tướng Chính phủ có quyết định chính thức trong thời gian tới. Còn lĩnh vực bất động sản, chỉ có công ty con đầu tư khoảng vài tỉ đồng, không đáng kể. “Bên cạnh đó, EVN sẽ có kế hoạch thoái vốn đối với mảng ngân hàng, chứng khoán. Trong vài năm tới, về cơ bản sẽ thoái vốn xong” - ông Thanh nói.
Trước thông tin ngành điện kêu lỗ nặng nhưng lương của cán bộ, công nhân viên vẫn cao, ông Thanh cho biết lương bình quân của EVN năm 2009 là 7,3 triệu đồng/tháng. “Lương lãnh đạo và tổng thu nhập của một số cán bộ có thể cao, do đó cần phải nói rõ xem lương hay tổng thu nhập” - ông Thanh nói.


Trong Tổng sơ đồ điện VI, đầu tư trong truyền tải chỉ đạt 50%, dẫn đến tình trạng có nhà máy nhưng vẫn xảy ra hiện tượng thiếu điện. Năm 2012, nếu không đầu tư mạnh hơn thì cả nước đủ điện nhưng riêng Hà Nội sẽ bị cắt điện. Đường dây điện Vân Trì - Sóc Sơn, Hà Đông - Thành Công đang dang dở do giải phóng mặt bằng chậm. Ngoài ra, Tổng Công ty Truyền tải điện đang thiếu tiền nghiêm trọng nên không đủ vốn để tiếp tục đầu tư.
Ông PHẠM LÊ THANH, Tổng Giám đốc EVN
Mức lỗ trong năm 2010 cộng với nợ của EVN chưa trả cho TKV và PVN khoảng trên 11.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo hạch toán lỗ và chỉ có thể hạch toán vào giá điện chứ không còn có thể hạch toán vào đâu được. Bởi nguyên tắc EVN chỉ thực hiện sản xuất kinh doanh điện. Lỗ do giá bán thấp hơn giá thành, đương nhiên lỗ của tập đoàn này sẽ được hạch toán vào giá điện trong những đợt điều chỉnh thời gian tới.
Ông HOÀNG QUỐC VƯỢNG,Thứ trưởng Bộ Công Thương

TRÀ PHƯƠNG

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Những thói quen có hại cho tim mạch và hô hấp

Những thói quen có hại cho tim mạch và hô hấp

Thứ Ba, ngày 26/04/2011, 12:16
Có những thói quen hoặc do tính chất công việc bạn phải tiếp xúc với một môi trường mà bạn tưởng rằng vô hại đối với sức khoẻ, song theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây những yếu tố môi trường đó là nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh và phá hủy sức khoẻ chúng ta.
Ngồi gần máy móc và thiết bị điện tử thường xuyên gây hại cho tim, phổi
Công việc văn phòng luôn khiến chúng ta bận rộn xung quanh các thiết bị máy móc. Một vài thiết bị không thể thiếu trong các công sở đó là máy tính, máy phôtô coppy và một số thiết bị văn phòng khác được xem là nguyên nhân gây hại cho sức khoẻ, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do liên quan đến thiếu vận động và stress. Ngoài ra, kết quả khảo sát mới đây về tình trạng sức khoẻ của các nhân viên làm việc trong các văn phòng vừa cho thấy: phòng đặt các loại máy móc phục vụ công việc văn phòng là một trong những nơi không khí chứa nhiều tạp chất và bụi rất có hại cho sức khoẻ hệ hô hấp.
Các nhà khoa học chuyên ngành hô hấp tại Trường đại học Birmingham, Mỹ cho biết: xung quanh chiếc máy phôtô coppy – một thiết bị phổ biến trong các văn phòng – không khí luôn có chứa rất nhiều bụi giấy và chất hoá học có tên gọi VOC rất có hại cho hệ hô hấp. Những người làm việc trong môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với máy phôtô coppy thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp do tiếp xúc với các bụi giấy trong không khí. Bên cạnh đó là nguy cơ tắc nghẽn mạch máu do thiếu ô xy dẫn tới tỉ lệ mắc bệnh tim mạch tăng cao. Theo giáo sư Jon Ayres – chuyên khoa hô hấp – Trường đại học Birmingham, sự ô nhiễm không khí xung quanh nơi đặt các máy phôtô coppy hoạt động liên tục còn có thể là nguyên nhân làm gia tăng các trường hợp mắc hen suyễn, đột quỵ, đau tim và thậm chí cả ung thư.
Chạy bộ bên lề đường làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp
Một cuộc khảo sát của trường đại học Imperial College – thành phố London – Anh tiến hành trên các đường phố ở thủ đô London – Anh mới đây vừa cho biết: những người có thói quen chạy bộ dọc theo đại lộ Marylebone và một số đường phố đông đúc khác ở London đã hít phải một lượng khí ô nhiễm tương đương với việc hút thuốc lá trong vòng 48 phút. Nguyên nhân là bởi khi chạy bộ, hệ hô hấp và hệ tim mạch phải vận động tích cực hơn bình thường, trong khi đó đường phố - nơi các phương tiện giao thông qua lại tấp nập – lại là nơi có nồng độ cao khí thải cacbonic và nhiều khí thải độc hại khác. Những người chạy bộ trên lề đường có nguy cơ hít phải khí thải độc hại cao, đặc biệt là khí thải do quá trình đốt cháy nhiên liệu của các động cơ diesel, dẫn tới nguy cơ bị mắc các bệnh về phổi.
Ngoài ra, kết quả kiểm tra của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Edinburgh – Anh quốc còn cho thấy: những người có thói quen đi bộ hoặc tập thể dục dọc lề đường đông xe cộ qua lại có nguy cơ mắc stress và bệnh tim mạch cao gấp 3 lần bình thường. Xét nghiệm máu ở những người này cho thấy nồng độ protein t-PA thấp hơn bình thường, điều này làm ngăn cản quá trình lưu thông máu và gia tăng tình trạng vón cục trong các mạch máu, dễ dẫn tới bệnh tim mạch.
Nguy cơ nhiễm độc do sử dụng thường xuyên hoá chất tẩy rửa
Những thói quen có hại cho tim mạch và hô hấp, Sức khỏe đời sống, suc khoe, benh tim, benh ho hap, hen suyen, ngo doc
Nên mở cửa sổ để tiếp nhận không khí trong lành.
Các sản phẩm làm sạch, khử mùi không khí và các hoá chất dùng để tẩy rửa thảm, lau màn hình tivi, máy tính… không hề vô hại như nhiều người vẫn tưởng. Trong thành phần của chúng có chứa rất nhiều hoá chất, khi sử dụng có thể lưu lại trong không khí các hoá chất hữu cơ dễ bay hơi rất có hại cho sức khoẻ có tên gọi là VOCs – một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp, hen suyễn và ung thư. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Curtin – Australia, những hoá chất có trong các sản phẩm làm sạch, tẩy rửa có tác động rất nguy hại đến sức khoẻ trẻ nhỏ, làm gia tăng tình trạng hen suyễn ở trẻ dưới 3 tuổi. Thay vì sử dụng các sản phẩm khử mùi không khí, chúng ta nên mở cửa sổ để tiếp nhận không khí trong lành mỗi ngày.
Nước mưa - yếu tố gây độc
Cùng với quá trình công nghiệp hoá, không khí ngày càng trở nên bị ô nhiễm và hiện tượng mưa axít xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp thế giới. Những cơn mưa này mang theo nó các bụi bẩn, các thành phần hoá chất ô nhiễm do khí thải công nghiệp tích tụ lại dưới các đám mây. Vào mùa hè, thời điểm cuối ngày là thời điểm nồng độ khí ô nhiễm lên cao nhất và những cơn mưa xuất hiện vào thời điểm này mang theo rất nhiều tạp chất ô nhiễm. Chạy bộ ngoài trời mưa hoặc tiếp xúc với nước mưa chứa nhiều khí, bụi ô nhiễm là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các ca mắc bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thời điểm tốt nhất để đi dạo bộ ngoài trời đó là sau khi mưa tạnh, đó là lúc không khí vừa được gột sạch bụi bẩn và các hoá chất độc hại đã được trút xuống.
TAGS: suc khoe, benh tim, benh ho hap, hen suyen, ngo doc
Theo Minh Ngọc (Sức khỏe & Đời sống)
 
 
 
 

Thông xe hầm Thủ Thiêm




Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Cưới con sếp, nhân viên phải phục vụ 10 ngày

 Thế này  mà cưới con bí thư hay chủ tịch tỉnh thì chắc còn ghê gớm biết mấy. Thật là một sự thoái hóa, xuống cấp, tham nhũng và thách thức dư luận. Không còn gì để nói nữa

Chuẩn bị ngày vu quy cho con gái giám đốc Sở Thông tin Truyền Thông Thanh Hóa, bộ phận tham mưu Sở đã ban hành bảng phân công nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên chuẩn bị từ việc dựng rạp, trông xe đến tiếp khách...


Đầu tháng 11, ông Đỗ Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa tổ chức đám cưới cho con gái. Bộ phận tham mưu của Sở đã ban hành lịch phân công nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ cán bộ công nhân viên cơ quan từ ngày 1/11 đến khi kết thúc lễ vu quy.
Bảng phân công này được tải qua mạng nội bộ cho cán bộ, công nhân viên, người lao động trong cơ quan biết và thực hiện. Theo đó, từ đầu tháng có tới 10 công chức, viên chức lo chuẩn bị hàng ngày tại nhà sếp. 13 cán bộ, công nhân viên chức được huy động dựng rạp, khiêng đồ. Ngày ăn hỏi, hơn chục nhân viên lo phục vụ, xe cộ. Lãnh đạo Sở, các phòng và Trung tâm công nghệ thông tin được phân vai tiếp khách cùng 8 nhân viên gánh phần việc lễ tân.
Cũng theo bảng phân công này, từ ngày 5 đến 8/11, hơn hai chục lượt cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan tiếp tục được huy động làm phục vụ, đón khách, trợ giúp sếp tiếp khách tại tư gia trong thời gian gia đình đi Hà Nội và ở nhà hàng Dạ Lan. Hôm đưa dâu (11/11), nhân lực huy động lên tới hơn 30 người và sau khi kết thúc đám cưới cũng cần huy động hàng chục viên chức, công chức, người lao động dọn dẹp tại nhà sếp.
“Đồng nghiệp luôn sẵn lòng trợ giúp nhau lo việc lớn của mỗi gia đình, nhưng bảng phân công nhiệm vụ tại Sở Thông tin và Truyền thông từ ngày 1 đến 11/11 đã biến thành mệnh lệnh hành chính trong quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới", một nhân viên làm việc tại Sở bức xúc nói. Anh cho biết, do ban ngày phải giúp sếp nên công chức, viên chức tất yếu phải thu xếp việc công, thậm chí xử lý vào buổi tối.
Một lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hoá thừa nhận, bảng phân công cán bộ, công chức, viên chức ở Sở có thật. Việc làm trên là trái với chủ trương, định hướng của trung ương và địa phương, vi phạm quy chế cơ quan cùng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bố trí, sử dụng nhân lực ở cơ quan nhà nước.
Trước đó ngày 20/7, UBND TP Thanh Hóa đã ban hành chỉ thị 04 về thực hiện nếp sống văn minh đô thị trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bước đầu đã xử lý một số cán bộ, đảng viên vi phạm.
Lam Sơn
Đây là bảng phân công phục vụ cưới con sếp :


Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

“Tiểu So Ji Sub” Yoo Seung Ho gặp tai nạn trên đường cao tốc


Theo thông tin từ người đại diện công ty quản lý của Yoo Seung Ho đây là vụ tai nạn khá nghiêm trọng.




Vào ngày 29/7, trong khi di chuyển tới phim trường “Warrior Baek Dong Soo”, “Em trai quốc dân” Yoo Seung Ho đã bất ngờ gặp tai nạn trên đường cao tốc. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Seung Ho đã được khẩn cấp đưa tới bệnh viện gần nhất.


Được biết, vụ va chạm đã khiến chiếc xe bị hư hỏng toàn bộ và đây không phải là tai nạn nhỏ thông thường. Người đại diện của công ty quản lý của “Tiểu So Ji Sub” cho hay: “Chúng tôi cũng rất bất ngờ trước tin tức này. Hiện tại chúng tôi đang trên đường đến bệnh viện. Tất cả đều lo lắng cho Seung Ho bởi đây dường như không phải là 1 vụ tai nạn nhỏ. Chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin về anh ấy sau khi tới bệnh viện.”.
Lịch quay phim vào ngày 29/7 của đoàn làm phim “Warrior Baek Dong Soo” đã bị hủy bỏ hoàn toàn vì Seung Ho gặp tai nạn. Đại diện của đoàn phim phát biểu: “Chúng tôi đang theo dõi tình hình sự việc tuy nhiên phải hủy toàn bộ lịch quay ngày hôm nay. Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong thời gian tới bởi phần nhiều còn phụ thuộc vào hiện trạng sức khỏe của Yoo Seung Ho.”.
Tạo hình nhân vật cổ trang của "Tiểu So Ji Sub" trong "Warrior Baek Dong Soo"
Lee Ji Ah và Seo Taiji cuối cùng đã đạt thỏa thuận ly hôn
Nhiều tháng qua, scandal tình cảm và những rắc rối xung quanh chuyện ly dị, phân chia tài sản của cặp đôi Seo Taiji và Lee Ji Ah đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo giới. Vụ kiện đòi ly dị và phân chia tài sản của hai ngôi sao này đã gây chấn động làng giải trí Hàn và gây nhiều thị phi xung quanh lối sống tình cảm của nghệ sĩ thời hiện đại.
Chấm dứt những tranh cãi bấy lâu về scandal giữa Seo Taiji và Lee Ji Ah, mới đây công ty quản lý của nữ diễn viên “Thái Vương Tứ Thần Ký” đã lên tiếng khẳng định 2 nghệ sĩ này cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận ly hôn.
Trong cuộc họp báo vào ngày 29/7, Key East, công ty quản lý của Lee Ji Ah cho hay: “Chúng tôi chân thành xin lỗi vì đã khiến mọi người quá lo lắng về vụ kiện giữa Lee Ji Ah và Seo Taiji. Cả 2 bên đã thống nhật được thỏa thuận ly hôn vào 10 giờ sáng ngày 29/7. Hai bên cũng tán thành việc đưa ra văn bản thỏa thuận đầy đủ để tránh những tin đồn thất thiệt hay hiểu nhầm không đáng có.”.
Công ty quản lý của Lee Ji Ah lên tiếng khẳng định cô và Seo Taiji đã đạt được thỏa thuận ly hôn
Theo thỏa thuận ly hôn, cả 2 phía đều khẳng định vấn đề tài chính không được đề cập trong văn bản. Hai ngôi sao không được phép khởi kiện hay gây thêm tranh cãi về vấn đề hôn nhân. Thêm vào đó, bất kỳ hành động bôi nhọ danh dự, bóp méo sự thật hay thương mại hóa chuyện hôn nhân trong quá khứ đều bị ngăn cấm.
Đặc biệt, không ai trong 2 nghệ sĩ được phép viết sách về đám cưới của họ. Nếu cố tình viết, họ sẽ bị phạt 200 triệu won (tương đương 200.000 USD) và được quy kết là vi phạm hợp đồng đã ký.
Key East phát biểu: “Chúng tôi thực sự hy vọng rằng sẽ không còn những tin đồn thất thiệt nảy sinh từ chuyện hôn nhân của hai ngôi sao. Chúng tôi cũng mong các fan hâm mộ thông cảm cho họ vì trước khi trở thành nghệ sĩ họ cũng chỉ những người bình thường phải chịu đựng nỗi đau lớn từ chuyện đổ vỡ trong hôn nhân.”.

Theo afamily.vn

Đừng đổ thừa

Cho thuê cụm nhà Công tử Bạc Liêu


Chiều 17.11, ông Nguyễn Văn Út, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu chủ trì buổi họp báo chí thông báo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu cho nhà đầu tư thuê cụm nhà Công tử Bạc Liêu (ảnh), tổng diện tích trên 18.000m2.


Cụm nhà Công tử Bạc Liêu
Theo đó, tỉnh đồng ý cho Tổng công ty du lịch Sài Gòn thuê toàn bộ cụm nhà Công tử Bạc Liêu để khai thác, kinh doanh trong thời gian 49 năm. Nhà đầu tư sẽ đầu tư tôn tạo, khôi phục cụm nhà Công tử Bạc Liêu để phát triển nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch. Ngoài ra sẽ xây dựng các khu nhà cách điệu, nhà cổ, phát triển các dịch vụ giống sinh hoạt của Công tử Bạc Liêu xưa; xây dựng thêm nhà cao tầng để biến nơi đây thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của khu vực ĐBSCL. Theo nhà đầu tư, giai đoạn đầu sẽ trùng tu, cải tạo cụm nhà Công tử Bạc Liêu và đưa vào hoạt động vào ngày 1.1.2012.
Tin, ảnh: Trần Thanh Phon

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Bài văn "gây sốc" của cậu trò nghèo trường Ams

Thứ hai, 07 Tháng mười một 2011, 13:57 GMT+7 - http://vietbao.vn

Thư gửi mẹ.
Mẹ thân yêu của con !
“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .



Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền.

Bai van "gay soc" cua cau tro ngheo truong Ams
Bài văn lạ của cậu học trò nghèo trường Amsterdam

Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.


Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.

Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim.

Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.


Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm.

Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm.

Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi.

Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.


Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”.

Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.


Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này.

Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …


Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là …

Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống.

Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …


Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.

Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.

Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.

Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng.

Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng.

Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.


Đứa con ngốc nghếch của mẹ
Nguyễn Trung Hiếu