Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

NGÀY KHUYẾN HỌC VIỆT NAM ( 02/10) VÀ KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM



Sáng 28/9/2011, tại Hà Nội, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam. Sau đây là nguyên văn bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm và bài phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tại buổi lễ:
PHÁT BIỂU KHAI MẠC CỦA CHỦ TỊCH HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM NGUYỄN MẠNH CẦM TẠI LỄ KỶ NIỆM 15 NGÀY THÀNH LẬP HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM
(Hà Nội, ngày 28/9/2011)


- Thưa đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành TW Đảng.

- Thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Thưa các đồng chí lãnh đạo và nguyên đ/c lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Thưa các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, các đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội.

- Thưa các vị trong đoàn Ngoại giao.

- Thưa các đồng chí và các bạn.


Hôm nay trong không khí cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng, các Ngành các cấp ra sức phấn đấu quyết tâm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường an sinh xã hội trong điều kiện vô cùng khó khăn phức tạp, chúng ta họp mặt tại đây để mừng Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10) ; long trọng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập HộiKhuyến học Việt Nam (2/10/1996 - 2/10/2011) kết hợp với việc tổng kết 15 năm, một giai đoạn rất đáng ghi nhớ của phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Chúng ta vui mừng và vô cùng phấn khởi chào mừng Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Đinh Thế Huynh Ủy viên Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, lãnh đạo các Ban nghành, các Tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các tổ chức nghề nghiệp đã đến dự buổi lễ trọng thể này, mang đến cho chúng ta những tình cảm thân thiết.

Sự có mặt của các đồng chí, các bạn và các vị khách quí trong đó các vị khách quốc tế là niềm vinh dự lớn đối với Hội Khuyến học, là nguồn động viên vô giá, sự cổ vũ mạnh mẽ phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của đất nước.

Thay mặt Ban Chấp hành TW Hội Khuyến học Việt Nam tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí, các bạn và các vị khách quý về sự tham dự buổi lễ trọng thể hôm nay và về tình cảm cũng như sự động viên mà các đồng chí các bạn và các vị khách quý dành cho những người làm khuyến học Việt Nam.

Thưa các đồng chí và các bạn.

15 năm trước đây, trên cơ sở thành tựu quan trọng của gần 10 năm đổi mới, Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996) quyết định " đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá " phấn đấu để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Do nước ta chủ yếu là một nước nông nghiệp, trước yêu cầu có nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, một số đồng chí lãnh đạo tiền bối gợi ý cần thành lập một tổ chức xã hội hỗ trợ ngành giáo dục đào tạo, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Sau một thời gian vận động ngày 2/10/1996 Hội Khuyến khích và hỗ trợ giáo dục Việt nam (gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam) ra đời với số hội viên khoảng 100.000 người. Tính đến nay Hội vừa tròn 15 năm tuổi. 15 năm qua những người sáng lập và các hội viên ban đầu của Hội đã phấn đấu liên tục, bền bỉ, lấy sự học của dân làm mục tiêu hoạt động, lấy tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục làm động cơ thúc đẩy, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, "vác tù và hàng tổng", phần đấu hết mình vượt qua mọi thử thách, đặc biệt là khắc phục mọi khó, thiếu thốn của những năm tháng ban đầu để từ không làm nên có, vượt qua giai đoạn "vạn sự khởi đầu nan", đưa phong trào phát triển từng bước vững chắc, đi từ điểm đến diện, từ một số địa phương mở rộng ra phạm vi cả nước. Và chỉ hơn 10 năm Hội đã có mặt tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, tại 100% Huyện, thị, quận, trên 98% xã, phường, thị trấn, đồng thời nhanh chóng lan toả xuống tận thôn, làng, bản, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, nhà chùa, xứ đạo....với số chi hội hiện nay lên tới gần 300.000. Nói một cách cụ thể Hội đã có mặt ở tất cả mọi địa bàn dân cư từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, từ miền bãi ngang đến các hải đảo. Những năm gần đây Hội đã bắt đầu phát triển trong cộng đồng người Việt định cư ở nước ngoài. Hội đã nhanh chóng trở thành một Hội quần chúng sâu rộng với tổng số hội viên hiện nay lên đến trên 8 triệu người, được Chính phủ công nhận là Hội đặc thù. Với nhiệm vụ "khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập" mà Ban Chấp hành TW Đảng đã giao, được ghi bằng những giòng chữ vàng trên bức trướng tặng Hội tháng 12/2005 nhân Đại hội lần thứ III của Hội, một phong trào rộng lớn đã được phát động, phủ khắp cả nước, lôi cuốn tất cả các ngành, các giới, các lực lượng xã hội tham gia. Do đó mọi hoạt động của Hội đều được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Về khuyến học, Hội đã xuất phát từ tình hình đặc thù và truyền thống của dân tộc phát động xây dựng "gia đình hiếu học", "dòng họ hiếu học" và "cụm dân cư hiếu học" được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Các mô hình đặc thù Việt Nam này không những có tác dụng động viên mọi người học tập mà còn hỗ trợ nhà trường trong giáo dục học sinh về đạo đức, khắc phục lưu ban, bỏ học, góp phần thực hiện phong trào "hai không" và phong trào "nhà trường thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.

Cùng với ngành giáo dục đào tạo Hội đã xây dựng được hơn 10.600 Trung tâm học tập cộng đồng (chiếm 96% tổng số xã, phường, thị trấn trong cả nước). Trung tâm hoc tập cộng đồng - thiết chế giáo dục thực sự của dân, do dân và vì dân. Thiết chế giáo dục này cũng là cơ sở của xã hội học tập đang xây dựng.

Về khuyến tài Hội đã giành một phần quỹ khuyến học để cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, thưởng những thủ khoa trong các kỳ thi tốt nghiệp và thi vào đại học, cao đẳng, hoặc được giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế.

Đặc biệt từ 5 năm nay, Hội đã có sáng kiến tổ chức kỳ thi "Nhân tài đất Việt" hàng năm (nay gọi là "Giải thưởng nhân tài đất Việt"), động viên tinh thần nghiên cứu sáng tạo của ngày càng nhiều người tham gia, nhất là thanh niên đạt kết quả tốt đẹp mà nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gọi là "vườn ươm nhân tài cho đất nước".

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quỹ khuyến học đã được thành lập ở các cấp chủ yếu để cấp học bổng, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên nghèo được đi học, thực hiện công bằng trong giáo dục. Nhiều địa phương đã phát huy sáng kiến tạo ra những hình thức gây quỹ rất độc đáo như phong trào "heo đất khuyến học", "hàng cây khuyên học", "ao cá khuyến học", phong trào hỗ trợ học sinh nghèo theo công thức 1+1 (tức mỗi gia đình cưu mang 1 em, phát triển thanh 1+2+3+4+5...), có những phong trào với tên gọi rất hấp dẫn như "học bổng PTI - vun đắp ước mơ xanh", "ngôi nhà mơ ước", "đèn đom đóm" vv...Mỗi năm Quỹ Khuyến học đã cấp học bổng cho trên 3 triệu lượt học sinh, sinh viên nghèo, học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi, trong đó có các em vùng sâu, vùng xa, con em các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, các em nhiễm chất độc do cam, các em khuyết tật vv...

Những mô hình tạo được trong phong trào khuyến học, khuyến tài là tiền đề, những thành tố của xã hội học tập mà nước ta đang xây dựng. Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam, đánh dấu việc mở đầu giai đoạn ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng "đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời".

Đạt được những thành tựu quan trọng trong 15 năm phấn đấu là nhờ có sự lãnh đạo sát sao của Đảng từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến các cấp uỷ Đảng ở địa phương , sự chỉ đạo tích cực của các cấp chính quyền, sự động viên của Mặt trận Tổ quốc các cấp, sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các Bộ, Ban, ngành, trước hết là của Bộ giáo dục đào tạo, của các đoàn thể, các tổ chứcchính trị, xã hội..sự giúp đỡ của các mạnh Thường quân, những cá nhân và doanh nghiệp thành đạt và cuối cùng là sự tận tình và tinh thần sáng tạo của các cán bộ, hội viên của Hội.

Một yếu tố cực kỳ quan trọng bảo đảm thành công trong giáo dục, đào tạo cũng như trong phong trào khuyến học, khuyến tài, đó là sự duy trì và phát huy truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được và những yếu tố nêu trên, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng công cuộc xây dựng nước ta thành một xã hội học tập để mong muốn của bác Hồ lúc sinh thời về việc dân tộc ta phải trở thành một dân tộc thông thái, nước ta sẽ sánh vai cường quốc năm châu sẽ được hiện thực hóa.

Với niềm tin đó tôi xin tuyên bố khai mạc Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam. Xin chân thành cám ơn các đồng chi, các bạn và các vị khách quý./.




Sau đây là toàn văn bài phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 15 năm công tác khuyến học, khuyến tài; Kỷ niệm ngày khuyến học Việt Nam (02/10) và Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (02/10/1996 – 02/10/2011) 
- Kính thưa đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng.

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam,

- Thưa đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Thưa các vị đại biểu và toàn thể quí vị


Hôm nay, trong không khí phấn khởi của cả nước sau lễ khai giảng năm học mới 2011 - 2012, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị tổng kết 15 năm công tác khuyến học, khuyến tài; Kỷ niệm ngày Khuyến học Việt Nam (2/10) và Kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10/1996 - 2/10/2011).

Hội nghị hôm nay là dịp để chúng ta tổng kết những thành quả lớn đã đạt được 15 năm qua của Hội. Đây là thành tích thiết thực nhất để kỷ niệm ngày thành lập Hội và kỷ niệm ngày Khuyến học Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng đúc kết những kinh nghiệm và tìm ra những mặt còn hạn chế để sớm khắc phục, vươn lên trong thời gian tới, với yêu cầu mới.

Thưa các vị đại biểu và toàn thể quý vị

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 11 CT/TW năm 2007, trong đó khẳng định: “Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lực chấn hưng và phát triển giáo dục nước ta”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg năm 2008 về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong đó, Hội Khuyến học Việt Nam được giao trọng trách làm nòng cốt phối hợp với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các Ban, ngành, đoàn thể… để triển khai thực hiện phong trào này.

Trong 15 năm qua kể từ ngày thành lập, Hội Khuyến học Việt Nam đã phát triển khá mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, với 100% quận, huyện, thị xã và hầu hết xã, phường thị trấn đã có tổ chức Hội. Nhiều tổ dân phố, cụm , dân cư, bản, làng, phun sóc đến các dòng họ, cơ quan, doanh nghiệp đã có các tổ chức như chi hội hoặc ban khuyến học để tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, với trên 8 triệu hội viên (chiếm hơn 9% dân số). Điều này chứng tỏ sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng và Chính quyền, các tổ chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân cả nước đối với chủ trương đầy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước ta. Hội Khuyến học đã và đang tích hiệu quả việc triển khai, thực hiện các Chỉ thị của Bộ Chính trị và của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình hoạt động, Hội đã lấy việc “xây dựng Xã hội học tập từ cơ sở” làm mục tiêu và nội dung hoạt động của Hội”. Từ đó, hội đã chủ động và sáng tạo xây dựng được các mô hình hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập một cách sâu rộng trong nhân dân. Các mô hình: gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cụm dân cư khuyến học, các Quỹ phát triển tài năng và nhân tài đất nước ngày một phát triển và có chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Hội đã vận động và xây dựng được hàng triệu gia đình hiếu học, hàng nghìn chi tộc hiếu học, hàng chục nghìn các thôn bản, tổ dân phố khuyến học. Quỹ khuyến học của Trung ương Hội và của các Hội địa phương đã phát huy tác dụng tốt và có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng các mô hình học tập cần thiết trong cấu trúc xã hội học tập ở nước ta.

Sự phát triển của Quỹ khuyến học và các sáng kiến khuyến học khác đã bước đầu thực hiện được mục tiêu tạo điều kiện các cháu học sinh, thành thiếu niên nghèo cũng như các cháu có hoàn cảnh đặc có cơ hội đi học, mang lại sự công bằng trong học tập. Trong tời gian qua, Hội đã tạo ra hàng triệu học bổng cho học sinh nghèo, hàng chục ngàn phần thưởng cho học sinh giỏi, hàng nghìn khoản trợ cấp cho các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những đóng góp hết sức thiết thực vào việc hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động dạy và học trong hệ thống các nhà trường. Hơn một chục ngàn Trung tâm học tập cộng đồng; hàng ngàn nhà văn hoá, câu lạc bộ ở xã, phường; hàng ngàn thư viện hoặc tủ sách trong các thôn, làng, các phường và thị trấn vv... đã được xây dựng với sự chung tay, góp sức của Hội Khuyến học tại các địa phương.

Nhân dịp Hội nghị hôm nay, đồng chí Đinh Thế Huynh và bản thân tôi được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và các cấp Hội trong cả nước vì những thành tích thiết thực, có ý nghĩa to lớn mà Hội của chúng ta đã đạt được trong 15 năm qua.

Thưa các vị đại biểu và toàn thể quý vị

Nhân dịp Hội tổ chức Hội nghị hôm nay, tôi xin nêu một số ý kiến trao đổi với các đồng chí cán bộ của các cấp Hội cùng với các hội viên như sau:

1.Hội Khuyến học Việt Nam cần chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và của ngành giáo dục về chiến lược giáo dục - đào tạo trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, làm cho toàn xã hội nhận thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ “đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người dân được học, học suốt đời”. Đó chính là công việc nâng cao dân trí chăm lo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nguồn vốn quý quyết định cho xã hội phát triển.

Quán triệt sâu sắc hơn nữa các Chỉ thị của Bộ Chính trị và của Thủ tướng Chính phủ về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, làm cho mọi người nhận thức đầy đủ đây là công việc của toàn Đảng, toàn dân; phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo để quan tâm hơn nữa việc học tập của nhân dân lao động, của đối tượng ngoài nhà trường, làm cho ai ai cũng được học hành, học tập suốt đời theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2.Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng các mô hình Gia đình hiếu học, Dòng họ khuyến học, cụm dân cư khuyến học gắn với nhà trường, gia đình với xã hội. Các phong trào phải thực sự góp phần đổi mới các dạy, cách học trong nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Hội cần phát triển thêm các hình thức học tập cho người lớn, phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng thêm các Trung tâm học tập cộng đồng tại các địa phương trong cả nước.

3.Phát hiện kịp thời các năng khiếu, tài năng trong thế hệ trẻ để có kế hoạch bồi dưỡng nhân tài phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước.

4.Từ việc xây dựng Quỹ Khuyến học, các cấp hội cần quan tâm hơn nữa đến đối tượng vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, không may mắn, tật nguyền. Quỹ Khuyến học không chỉ dừng ở công tác khuyến học mà cần góp phần tạo động lực cho công tác khuyến tài, phát hiện và chăm sóc tài năng của đất nước, mang lại sự công bằng và điều kiện phát triển cho mọi trẻ em Việt Nam.

Thưa các vị đại biểu và toàn thể quý vị

Với nhiệm vụ to lớn và nặng nề mà Đảng đã giao cho Hội trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, với tiền đề là những thành tích đã đạt được trong 15 năm qua, với tấm lòng nhiệt huyết của tất cả mỗi người dân Việt nam vì thế hệ trẻ, vì tương lai đất nước, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những thành tích to lớn hơn trong thời gian tới.

Nhân đây tôi đặc biệt đánh giá cao và cảm ơn các cụ lão thành, các cán bộ hưu trí tuy tuổi cao sức yếu nhưng vì sự phát triển của nền giáo dục nước nhà đã luôn tâm huyết, tận tụy không quản ngày đêm tham gia, đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.

Cuối cùng, tôi chúc các vị Đại biểu về dự Hội nghị hôm nay, chúc các đồng chí và các quý vị sức khoẻ, hạnh phúc, thành đạt, tiếp tục góp sức nhiều hơn nữa cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn./.


 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét