Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Hạn chế ùn tắc và giảm tai nạn giao thông năm 2012: Bộ trưởng công an đề xuất 8 giải pháp

Hạn chế ùn tắc và giảm tai nạn giao thông năm 2012: Bộ trưởng công an đề xuất 8 giải pháp

Đại Đoàn Kết - 13 giờ trước 106 lượt xem
* 10 tháng đầu năm 2011, có tới 9.265 người chết, 8.379 người bị thương

Ngày 28-11-2011, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác trật tự an toàn giao thông năm 2012. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia chủ trì hội nghị.

Để kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông,
đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn xã hội
Tai nạn, ùn tắc: Hiểm họa tiềm ẩn đối với trật tự xã hội
Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2011, toàn quốc xảy ra 11.036 vụ, làm chết 9.265 người và bị thương 8.379 người. Trong khi đó, 10 tháng đầu năm đã xảy ra 172 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 1 giờ, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra ùn tắc cục bộ trong giờ cao điểm. Theo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, nguyên nhân ùn tắc có đến 44% do tai nạn giao thông; 23% do lưu lượng phương tiện quá năng lực hạ tầng; và 19% do xe hỏng. Việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ chưa mạnh mẽ, chưa tiến hành di dời các cơ sở giáo dục, y tế đông người ra ngoại thành, xây dựng nhiều nhà chung cư cao tầng tại những nơi có mật độ dân số cao...
Trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt toàn quốc đã kiểm tra xử lý 5.705.447 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, nộp kho bạc Nhà nước hơn 1.583 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 218.213 trường hợp; tạm giữ 21.336 xe ô tô, 492.193 xe mô tô, xe máy và 4.063 phương tiện khác. So với cùng kỳ năm 2010 thì tiền phạt tăng hơn 112 tỷ đồng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho rằng, kết quả kiềm chế giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông chưa bền vững, số người chết do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Theo Bộ trưởng, số liệu thống kê bình quân ở nước ta mỗi năm có 11.929 người chết và 9.290 người bị thương do tai nạn giao thông; tình hình ùn tắc giao thông kéo dài vẫn diễn ra ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trên một số tuyến quốc lộ trọng điểm. "Đó thực sự là thách thức và là nguy cơ, hiểm họa tiềm ẩn đối với an sinh và trật tự xã hội”-ông Thăng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho biết, phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, đó cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Việc phát triển đô thị chưa đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông vận tải, nhiều khu vực xây dựng chung cư nhưng mạng lưới đường không tăng thêm, nhiều khu đô thị mới xây dựng chưa có hệ thống giao thông hoàn chỉnh kết nối với mạng lưới đường hiện có, thiếu các cầu vượt sông, hoặc có cầu nhưng tải trọng thấp chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông đi lại của người dân. Theo ông Nguyễn Thế Thảo, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông quá thiếu, hiện chỉ chiếm khoảng 7-8% đất xây dựng đô thị, trong khi đó mức yêu cầu hợp lý cho một đô thị hiện đại là từ 20-26%.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài
Theo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, năm 2012 là năm An toàn giao thông đầu tiên theo Nghị quyết của Chính phủ. Chính vì vậy, các ngành, các cấp, địa phương cần tăng cường các lực lượng hướng dẫn giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lập lại trật tự trong quản lý lòng đường, vỉa hè, đẩy mạnh và thường xuyên tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm cá nhân và tổ chức vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng, để giảm ùn tắc giao thông trước hết phải bố trí lệch giờ làm việc, học tập trong ngày giữa các đối tượng học tập, làm việc, kinh doanh. Đồng thời, tổ chức lại giao thông khoa học, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông đô thị như: phân làn giao thông một chiều; cấm xe taxi, ô tô cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến phố... Cùng với đó là việc phát triển mạnh mẽ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tăng tần suất lượt xe giờ cao điểm, bổ sung phương tiện xe buýt, tăng số tuyến xe buýt đến các vùng ngoại thành. Còn về lâu dài khi quy hoạch các khu đô thị phải đáp ứng quỹ đất dành cho giao thông theo Luật Giao thông đường bộ từ 16-26%. "Đối với ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông cần tăng cường và nâng cao năng lực công tác cưỡng chế thi hành pháp luật, đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý và áp dụng các biện pháp mạnh đối với hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông”-ông Thăng nhấn mạnh. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng, cần sửa đổi Bộ Luật hình sự, bởi hiện nay hành vi xử phạt đối tượng chống đối lại người thi hành công vụ đang ở mức nhẹ, khi mức xử phạt chỉ dừng ở cảnh cáo hay án treo, do vậy không đủ sức răn đe.
H.Vũ
Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc:
Cần thiết lập lại trật tự kỷ cương trong đào tạo, sát hạch lái xe

Trật tự an toàn giao thông đang là vấn đề bức xúc trong xã hội, đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Để giải quyết vấn đề này cần các giải pháp tổng thể, toàn diện và lâu dài, nhưng trước mắt cần có các giải pháp cấp thiết để giảm tai nạn, chống ùn tắc. Bên cạnh đó, cần thiết lập lại trật tự kỷ cương trong đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm xe cơ giới, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các lực lượng làm công tác này nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết không để lòng đường, vỉa hè của các thành phố làm nơi bán hàng, trông giữ ôtô, xe máy.
Bộ Trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang:
Hạn chế phát triển và lưu hành phương tiện cá nhân

Cần triển khai thực hiện ngay 8 giải pháp cấp bách trước mắt để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông như: tiếp tục tổ chức lại giao thông; Các cặp tuyến phố đi một chiều, phân làn xe ô tô, mô tô, xe máy riêng đối với các tuyến đủ điều kiện; Tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông, Thanh niên tình nguyện, bảo vệ dân phố điều khiển, hướng dẫn giao thông; nhất là tuyến trọng điểm và giờ cao điểm. Giải quyết quyết liệt tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè trái phép để trả đường cho giao thông, hè phố cho người đi bộ. Bên cạnh đó cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để hạn chế phát triển và lưu hành phương tiện cá nhân. Đặc biệt, có sự điều chỉnh lại giờ làm việc, học tập, kinh doanh ở một số thành phố lớn.
Thùy Dương(ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét