Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Tham luận vè Phát huy vai trò dòng học trong công tác khuyến học ở Nga My Thượng

                                                                            Hà Nội, ngày 12/7/2013


Kính gửi :  -    Các vị đại diện cho chi bộ và chính quyền Thôn,
                  -    Các vị đại diện cho Chi Hội Khuyến học Nga My Thượng,
                  -    Các vị đại diện cho các  dòng họ trong Thôn,
                  -    Các vị Cựu giáo chức,
                       Cùng tất cả các đại biểu dự Hội nghị !

                  Tôi được biết rằng Lãnh đạo Thôn ta tổ chức một cuộc họp vào chủ nhật  14/7/2013 với sự tham dự của nhiều thành phần, trong đó có đại diện các dòng họ, các giáo chức đã nghỉ chế độ. Tôi cũng là một cựu giáo chức, trước công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã nghỉ hưu được 5 năm. Hiện tôi đang tái làm việc tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và tôi cũng vinh dự được mời tham dự cuộc họp này.    
                  Tiếc rằng vì bận công việc nên tôi không thể về được.
                  Tuy nhiên tôi cũng được biết nội dung cuộc họp bàn về về việc làm sao phát huy được vai trò tích cực của các dòng họ trong công tác khuyến học của chính dòng họ của mình, từ đó đẩy mạnh được phong trào khuyến học của cả thôn, cả xã lên một nấc mới; vì vậy tôi xin gửi về Hội nghị mấy lời goi là ý kiến bằng văn bản thay cho phát biểu trực tiếp:

      I/ Về chủ trương của Thôn:
        - Đây là một chủ trương rất hay, phù hợp với truyền thống hiếu học nói chung ở Việt Nam và với các dòng họ nói riêng ở Thôn chúng ta
       - Chủ trương này phù hợp với phong trào” gia đình hiếu học”,  “ dòng họ hiếu học” đang phát triển ở nhiều nơi trên đất nước ta.
       - Tính khả thi của chủ trương này cao, bởi vì ngay Thôn ta đã có 18 dòng họ, trong đó đã có 5 dòng họ đi tiên phong, đã có kinh nghiệm một số năm ( tôi được biết đó là dòng họ Hà Văn,  dòng họ Hà Trọng; dòng họ Lê và hai dòng họ Nguyễn ). Khi phong trào được phát động, các dòng họ ra tay, nhất định sức bật sẽ lớn hơn nhiều lần từ sự quan tâm của những người trong huyết tộc đối với con em họ.

       II/ Vai trò của dòng họ hiện nay như thế nào:
          - Theo tôi vai trò của dòng họ hiện nay  đang được dần khôi phục và  có vị trí rất lớn trong tộc, họ, thậm chí nhiều nơi, vai trò của dòng họ còn  lớn hơn trong quá khứ. Chúng ta đều biết, mọi thành công của đất nước về các mặt dù bảo vệ tổ quốc hay xây dựng, phát triển kinh tế  đều gắn với mức độ tham gia của các dòng họ. Tôi tin rằng các dòng họ đã và sẽ nhận thức được sự cần thiết của việc học, đều thấy rõ một điều là con cháu muốn làm rạng rỡ tổ tiên thì phải đầu tư vào việc học,  vì vậy mà hiện nay hầu hết các gia đình  đều coi việc học của con cháu là số 1, là ưu tiên hàng đầu, các “Dòng họ hiếu học” cũng xuất hiện ngày càng nhiều.  Trong thời đại ngày nay, không học thì không có tri thức, không có tri thức thì không đủ sức lo công việc làng việc nước . Trách nhiệm các dòng học là phải động viên con cháu, trao trọng trách cho con cháu phấn đấu học tập rèn luyện  để xứng đáng với tổ tiên.
       - Trong tình hình  kinh tế  thị trường,  tình người dần giảm sút, đạo đức xuống câp, nhiều chuyện luân thường đạo lý thấy như bị đảo lộn. Các dòng họ lại càng phải có trách nhiệm giáo dục các thành viên con cháu trong họ giữ được nếp nhà như chữ “ Đức Lưu Quang” ( hiểu nôm na là Đức sáng muôn đời) trên các Hoành phi được treo ở nhiều nhà thờ họ và ở nhiều gia đình là để biểu thị lòng mong muốn ấy.

       - Dòng họ nào cũng vô cùng tự hào về tổ tiên, về truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình nên đã ra sức giữ gìn và phát huy dòng họ trường tồn cùng dân tộc. Nhắc đến dòng họ là nhắc đến cội nguồn tổ tiên, nhớ đến tình ruột thịt của những người có cùng huyết thống từ ông tổ chung, rất thiêng liêng, trân trọng. Các dòng họ nói chung đều đã làm rất tốt phần lễ đối với tổ tiên, tập hợp được con cháu xa gần hướng về cội nguồn, gốc rễ. Tôi cho rằng, cùng với việc chăm sóc phần lễ cho phải đạo với tổ tiên, Các dòng họ hãy mở thêm mặt trận chăm lo đến việc học của con cháu, xây dựng “Dòng học hiếu học”, sao cho trong họ có nhiều người thành đạt từ việc học. Đó là cách tốt nhất nâng cao vị thế, bảo vệ dòng họ, bảo vệ con cháu, tăng  thêm uy tín của các trưởng tộc và của cả dòng họ trước bà con trong thôn.

    -  Nghiên cứu tại hai địa phương Tam Sơn và Đồng Kỵ (Bắc Ninh) cho thấy, trong tổng số 420 hộ gia đình được phỏng vấn, có 97 – 99,6% khẳng định hiện nay gia đình, dòng họ vẫn rất quan trọng. Gần 100% số người được hỏi cho rằng đến nay, các câu nói theo khẩu ngữ dân gian như: “một giọt máu đào hơn ao nước lã” hay “xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì” là “vẫn đúng”; số người không đồng ý chỉ có từ 0,5% đến 3,5%.
III. Chúng ta phải làm gì?

    1/  Trước hết phải có sự quan tâm lãnh đạo , chỉ đạo của cấp ủy Đảng , chính quyền , đặc biệt là vai trò của người đứng đầu có tính chất quyết định  đến chất lượng và hiệu quả  của của công tác khuyến học, khuyến tài, của cuộc vận động xây dựng  “Dòng học hiếu học”  trong các họ, tộc ở thôn ta.

    2/ Các dòng học phải luôn phối hợp chặt chẽ với Hội khuyến học thôn để hội nhập các phong trào chung, tranh thủ sự ủng hộ về nghiệp vụ, về giải thưởng, về học bổng. Chi Hội khuyến học Nga My Thượng cũng luôn quan tâm đến tất cả các dòng họ, quy định mức  thưởng, tiêu chí nhận học bổng thông qua dòng họ và đặc biệt là đề xuất với cấp trên khen thưởng các cá nhân, tặng danh hiệu “ Dòng họ hiếu học” cho các dòng họ đạt tiêu chuẩn.

     3/ Các dòng họ gây quỹ khuyến học của tộc mình và phối hợp với Chi hội khuyến học tổ chức tuyên dương, khen thưởng học sinh, sinh viên xuất sắc, giỏi, khá.. Hình thức tổ chức nên gắn  cùng lễ dâng hương, lễ báo công với tổ tiên, làm trang trọng, có mặt bà con trong họ dự. Các  em sẽ nhớ và có ấn tượng mãi với các buổi lễ như vậy,

     4/ Về măt tổ chức, nên thành lập Ban khuyến học dòng họ để giúp cho các vị trưởng tộc và đề nghị Chi Hội Thôn công nhận là chân rết nằm trong  mạng lưới tổ chức của Chi Hội Khuyến học Thôn,

      5/ Vận động các gia đình đăng ký phấn đấu trở thành “Gia đình hiếu học”, vận động con cháu tham gia  và trở thành Hội viên của hội khuyến học các cấp,
     
       6/ Tích cực liên hệ các nhà hảo tâm để xây dựng Quỹ học bổng, xây  dựng thư viện dòng họ, nếu Quỹ đủ lớn, có thể cho con em các gia đình khó khăn vay ( không lãi) để các em không phải bỏ học do thiếu học phí, các em sẽ trả lại gốc sau khi ra trường và có việc làm.

       7/ Thành lập Quỹ khen thưởng ( hay quỹ khuyến học)  và xây dựng Quy ước hoạt động khuyến học dòng họ  với những quy định  cụ thể. Hàng năm có báo cáo thu chi tài chính công khai, minh bạch.

       IV.Ví dụ một vài con số thực tế:
        1/- Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay toàn thành phố Hà Nội đã có gần 20 vạn “ Gia đình hiếu học” (GĐHH), gần 2.000 “Dòng họ hiếu học” (DHHH); tổng số quỹ khuyến học lên tới hơn 60 tỷ đồng. Mỗi năm, hàng chục nghìn lượt học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, hàng nghìn lượt giáo viên giỏi các cấp được nhận phần thưởng khuyến học, khuyến tài.
       2/ Ở huyện Mê Linh. Hội khuyến học đã được tổ chức ở tất cả 18/18 xã, thị trấn trong huyện. Hội còn lan tỏa đến hầu hết các thôn, làng ,tổ dân phố, đến các cơ quan , doanh nghiệp , trường học, đơn  vị lực lượng vũ trang với tổng số hội viên trên 20 ngàn người chiếm 10,2% dân số trong huyện.
Trong 18 Hội khuyến học các xã, thị trấn có 236 chi hội cơ sở và 238/831 ban khuyến học dòng họ, 61/92 làng có chi Hội khuyến học
Đến nay, quĩ khuyến học toàn huyện có 4,391 tỷ đồng
        Trong đó :    -   Quỹ của huyện hội : 330 triệu
                             -   Quỹ của 18 hộ K/h xã, thị trấn : 464 triệu
                             -   Quỹ của 236 chi hội : 1,916 tỷ đồng
                             -   Quỹ của 238 dòng họ : 1,681 tỷ


         Trên đây là tóm tắt ý kiến của tôi
        Trân trọng cám ơn và chúc Hội nghị thành công


            TS. Nguyễn Đình Đức