Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Học giả Trung Quốc khẳng định đường chữ U không có căn cứ pháp lý




Tham vọng của Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành cái “ao nhà” của mình đã gây ra những căng thẳng giữa họ với 5 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Cái gọi là Đường chữ U  do họ đưa ra nhằm để Trung Quốc chiếm tới 80% tổng diện tích Biển Đông, đang bị tất cả những người có lương tri trên thế giới phản đối kịch liệt.
Hàng nghìn đảo đá, bãi cạn ở gần các nước ASEAN và ở rất xa đại lục Trung Quốc, xưa nay chưa hề có người Trung Quốc sinh sống, chưa hề có sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc cũng bị họ ngang nhiên coi là lãnh thổ của mình. Đường chữ U lấn vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nhiều nước khác và hoàn toàn không có căn cứ lịch sử cũng như căn cứ pháp lý — điều hết sức vô lý ấy ai cũng thấy, kể cả những người Trung Quốc có lương tri. Bài viết dưới đây nói lên một phần sự thật mà chính quyền Trung Quốc luôn giấu giếm:  các học giả có lý trí ở nước họ cũng công khai thừa nhận Đường chữ U không có căn cứ pháp lý. Để tôn trọng sự thật, tôn trọng tác giả bài viết và bạn đọc, chúng tôi xin dịch nguyên văn bài này. Các ghi chú trong ngoặc vuông [ ] là của người dịch.   

Ngày 14/6/2012, chủ nhân Blog này [tức Lý Lệnh Hoa] được mời tham gia cuộc hội thảo về vấn đề Nam Hải [Việt Nam gọi là Biển Đông] do Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc 天则经济研究所 [1] và báo điện tử Sina.com/blog chủ trì tổ chức. Những người tham gia đều đã thảo luận vấn đề này một cách nghiêm túc và có lý trí. Qua chỉnh lý, nay công bố nội dung hội thảo như sau.


Tên Hội thảo:   Tranh chấp Biển Đông: chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế.


Đơn vị chủ trì:        Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com /blog.


Thời gian:         Chiều ngày 14/6/2012, từ 13h30 đến 17h50.


Địa điểm:          Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc


Người chủ trì:        Dương Tuấn Phong, giảng viên Đại học Công an Trung Quốc.


Khách mời phát biểu chính: 


1- Lý Lệnh Hoa [李令华Li Ling-hua] [2], học giả chuyên nghiên cứu vấn đề vạch ranh giới biển quốc tế, cán bộ đã nghỉ hưu của Trung tâm Thông tin biển Trung Quốc.


2- Thời Ân Hoằng, Giáo sư Đại học Nhân dân Trung Quốc, Tham sự Quốc vụ viện [3].


Khách mời bình luận:


1- Thịnh Hồng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thiên Tắc, GS Đại học Sơn Đông; 2- Thượng Hội Bằng GS Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh ; 3- Cát Hải Đình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xúc tiến hữu nghị quốc tế Trung Quốc, nghiên cứu viên ; 4- Hà Quang Hộ, GS Viện Triết học ĐH Nhân dân Trung Quốc ; 5- Vương Diệm, nghiên cứu viên Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Tổng Biên tập tạp chí « Đọc sách » ; 6- Hứa Chương Nhuận, GS Học viện Pháp luật ĐH Thanh Hoa ; 7- Trương Thiên Phàm, GS thỉnh giảng của hai Học viện Pháp luật, Học viện Quản lý chính phủ ĐH Bắc Kinh ; 8- Trương Thử Quang, Chủ tịch Hội đồng Học thuật Viện NCKT Thiên Tắc, GS Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.



Lý Lệnh Hoa :  Với tư cách là học giả đã nghiên cứu nhiều năm vấn đề vạch ranh giới biển quốc tế, hôm nay tôi rất vui mừng được cùng mọi người bàn bạc vấn đề Nam Hải. Tôi có mang tới đây để mọi người xem một số thành quả nghiên cứu mới nhất của giới học thuật về vấn đề Nam Hải, gồm các sách và tạp chí như « Nghiên cứu vấn đề Luật biển quốc tế », « Nghiên cứu luật cơ bản biển Trung Quốc », « Một số trường hợp thực hiện luật quốc tế của Trung Quốc », « Tập bài nghiên cứu quốc sách biển », « Địa-chính trị và tranh chấp ở Nam Hải », « Chuyên luận vấn đề Nam Hải » ; khi nói về vấn đề Nam Hải, tôi rất chú ý quan điểm của các tác giả những nghiên cứu đó.


Tôi có cảm giác là từ hơn một năm nay, đặc biệt từ tháng 4 năm nay trở đi, khi Trung Quốc xung đột với Philippinnes, vấn đề Nam Hải trở nên rất nóng. Tôi cảm thấy trên vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia, từ xưa tới nay [chúng ta] đều khẳng định đảo Hoàng Nham [黄岩岛 quốc tế gọi là bãi cạn Scarborough] là lãnh thổ của Trung Quốc. Nhưng diện tích đảo Hoàng Nham quá nhỏ, hơn nữa lại không có người ở, khi thủy triều dâng cao chỉ còn là  một tảng đá. Năm 1947, khi vẽ “Đường 11 đoạn ” 十一段线, Vụ trưởng Vụ Khu vực và mấy người trong Bộ Nội chính chính phủ Dân Quốc [của Tổng thống Tưởng Giới Thạch] vẽ đảo này vào [bên trong đường 11 đoạn]. Khi nghiên cứu xác định điểm gốc [cơ điểm] để [phục vụ công tác] dẫn đường trên biển, đã bàn bạc về vấn đề đảo Hoàng Nham này động chạm tới việc không thể lấy nó làm điểm gốc. Vì diện tích nó quá nhỏ lại cách xa đại lục [Trung Quốc], hơn nữa còn có một vấn đề phức tạp là đảo Hoàng Nham nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, có thể lấy nó làm điểm gốc để chủ trương [coi nó là] vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta được không ? — vấn đề này rất đáng được bàn thảo. Bởi vậy [khi] Bộ Ngoại giao và phía quân đội [Trung Quốc] có lúc rất cứng rắn trên vấn đề này, tôi cảm thấy [làm như thế] là xem xét vấn đề chưa chu toàn. Tôi đã viết rất nhiều thư gửi cho các cán bộ liên quan của Bộ Ngoại giao [Trung Quốc] nhưng cũng không có thư trả lời. Vì đảo Hoàng Nham là  một bãi đá 岩礁, căn cứ mục 3 Điều 121 của «Công ước [Liên Hợp Quốc về Luật Biển]», nó chỉ có thể có vùng nước xung quanh 12 hải lý mà thôi. Nó ở cách bờ biển Phillippines 124 hải lý, vẽ một vòng khuyên thì vị trí sở tại đảo này vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phillippines ; tàu cá đi vào đấy tất nhiên là đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Phillippines rồi. Bởi vậy xảy ra tranh chấp trên vấn đề này là điều tất nhiên.


Hiện nay nhiều học giả trong nước [Trung Quốc] vẫn khẳng định «Đường 9 đoạn» [九段线Việt Nam gọi là Đường chữ U, hay Đường Lưỡi bò, tức đường biên giới biển Đông theo yêu sách của Trung Quốc, được họ vẽ trên bản đồ bằng một đường có 9 đoạn đứt khúc]; nhưng từ xưa đến nay đường biên giới trên bộ hay trên biển của toàn thế giới chưa bao giờ có một đường nào là  đường đứt đoạn [chữ Hán là 虚线 «hư tuyến», tức đường nét đứt, đường chấm chấm, không liền nét] cả. Đường 9 đoạn do tiền nhân của chúng ta vạch ra không có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý. Tháng trước, khi giảng bài cho các nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu biển và biên giới Trung Quốc thuộc trường Đại học Vũ Hán, tôi có nói rằng căn cứ pháp luật đích thực phải là “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển” năm 1982 [United Nations Convention on the Law of the Sea; 1982年《联合国海洋法公约]. Hơn nữa nước ta [Trung Quốc] là quốc gia đã ký và phê chuẩn “Công ước” này. Đường 9 đoạn chiếm tới hơn 80% diện tích vùng nước Nam Hải.


Đường cơ bản [cơ tuyến] của quần đảo Tây Sa [西沙, Việt Nam gọi là Hoàng Sa] cấu tạo bởi 28 điểm gốc, được các chuyên gia Cục Hải dương và một số đơn vị khác [của Trung Quốc] cùng nhau vẽ nên trước năm 1995. Nó gồm có nhiều bãi đá nhỏ 小岩礁, với diện tích vùng nước rộng tới khoảng hơn 12.000 dặm biển vuông. Sau khi công bố đã bị các chính phủ Việt Nam và Philippinnes phản đối và phê bình. Việc xác định 28 điểm gốc này vốn đã có rất nhiều chỗ không chuẩn xác, cũng không đạt yêu cầu về chỉ tiêu kỹ thuật. Hiện nay [Trung Quốc] vẫn cứ muốn làm kiểu hoạch định mập mờ như thế ở quần đảo Nam Sa [南沙 Việt Nam gọi là Trường Sa].


Tài nguyên Nam Hải rất phong phú, nước ta [Trung Quốc] có tranh chấp với 5 quốc gia như Việt Nam, Philippinnes [và Malaysia, Brunei, Indonesia] về chủ quyền trên biển. Chúng ta nên chủ trương giải quyết tranh chấp bằng phương pháp đàm phán hoà bình theo tinh thần của « Công ước », không thể sử dụng vũ lực giải quyết. Căn cứ xu thế phát triển của Luật biển quốc tế hiện nay và kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia, các nước ven bờ Nam Hải trước hết nên hoạch định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và biên giới thềm lục địa大陆架. Sau khi xác định rõ biên giới, [các nước] sẽ cùng nhau khai thác [tài nguyên biển].


Xin nêu một thí dụ : không thể xỏ giày trước rồi mới đi tất, cũng tức là nói không thể không làm rõ phạm vị chủ quyền trên biển mà đã cùng khai thác, bởi lẽ như vậy hoàn toàn có khả năng gây ra vấn đề phân phối thu nhập không công bằng. Sau này dựa vào điều 74 và điều 83 nói về vùng đặc quyền kinh tế và hoạch định biên giới thềm lục địa trong « Công ước », cần vạch lại biên giới biển Nam Hải. [Lúc đó] Phillippines chiếm bao nhiêu, Brunei chiếm bao nhiêu, Việt Nam chiếm bao nhiêu, Indonesia chiếm bao nhiêu… khẳng định sẽ không thể hoạch định theo chủ trương hiện nay của các quốc gia này.


Các quốc gia đương sự phải thống nhất về lý luận vạch biên giới biển và về phương pháp kỹ thuật, lấy cơ sở là các nguyên tắc quốc tế thông dụng hiện nay về cấu hình và độ dài bờ biển cũng như nguyên tắc tỷ lệ, thông qua đàm phán hoà bình, hữu nghị song phương hoặc đa phương để giải quyết vấn đề biên giới cuối cùng của Nam Hải.


Thịnh Hồng :  Đường màu lam có phải là  đường vẽ [vùng đặc quyền kinh tế] 200 hải lý của các nước không?


Lý Lệnh Hoa :  Đúng vậy. Đường màu lam trên bản đồ là vùng đặc quyền kinh tế vẽ theo Luật Biển. Đảo Hoàng Nham ở đây. Theo mục 3, Điều 121 của « Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển », Trung Quốc chúng ta chỉ có thể có vùng biển lãnh hải 12 hải lý. Thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippinnes ở đây. cho nên dù tàu cá hay tàu chiến của chúng ta khi đến Hoàng Nham đều tất nhiên đi vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của người ta. “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển” đã là công ước thì bất cứ quốc gia nào cũng phải chịu sự ràng buộc của công ước đó. Tất cả đều phải xử lý theo tinh thần của Công ước.


Thịnh Hồng :  Căn cứ của Đường 9 đoạn mà chúng ta vạch ra là gì?


Lý Lệnh Hoa :  Chẳng có căn cứ gì! [Nó chỉ] là tuyên bố đơn phương năm 1947 [của Chính phủ Dân Quốc].


Thịnh Hồng :  Không được các nước khác thừa nhận ư?


Lý Lệnh Hoa : Có thừa nhận, nhưng đấy chỉ là chuyện trong lịch sử. Hiện nay, đặc biệt là những năm gần đây, các nước xung quanh Nam Hải đều không để ý tới [điều đó] nữa. Thời đại đang tiến lên, khi hoạch định ranh giới biển chúng ta cần phải tiến hành theo tinh thần « Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển» và quy tắc quốc tế, chứ không thể nói căn cứ theo cái gọi là nhân tố lịch sử, nước giàu hay nghèo, người đông hay ít, tình trạng địa chất địa mạo đáy biển ... những yếu tố đó đều không phải là căn cứ để hoạch định biên giới. Tôi cho rằng nếu căn cứ vào Luật Biển mà làm thì nhân dân các nước ven bờ Nam Hải và nhân dân Trung Quốc đều có vùng biển 200 hải lý rộng rãi, việc phát triển nghề cá và khai thác tài nguyên đáy biển đều có đủ không gian. Sau này khi kinh tế các nước láng giềng phát triển thì chúng ta cũng được hưởng lợi. Để đứng trên góc độ toàn nhân loại mà xem xét vấn đề thì chúng ta cần có quan điểm toàn cục, cần tiến lên cùng thời đại.


Các đảo đá 岛礁 ở quần đảo Nam Sa không thể duy trì cuộc sống lâu dài của nhân loại. Căn cứ theo «Công ước» nói chung, một đảo đá nhỏ chỉ có lãnh hải 12 hải lý, thậm chí nhỏ hơn, chứ không phải là vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý như có người của chúng ta chủ trương. Cách nói của chính phủ ta « Quần đảo Nam Sa và vùng biển phụ cận » quá mập mờ;  ngay chuyện phụ cận bao nhiêu hải lý đều không thể nói rõ được. Cách nói ấy không phải là ngôn ngữ pháp lý. Chúng ta cần tôn trọng các điều văn của « Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển »; chỉ có những cách nói về 12, 24, 200 và 350 hải lý. Do các đảo Nam Sa có diện tích nhỏ, cách xa đại lục [Trung Quốc], không đủ điều kiện sống còn cho loài người, nên nước ta không thể xác định các điểm cơ sở lãnh hải ở quần đảo Nam Sa. Bởi vậy chúng ta không thể có được vùng nước đặc quyền kinh tế rộng lớn ở phía Nam của Nam Hải.


Vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta [Trung Quốc] và  của Việt Nam có chồng lấn nhau trên diện tích rất rộng, thể hiện bằng màu vàng nhạt trên bản đồ. Thế nhưng khi hoạch định ranh giới ở Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam tỏ ra tương đối có lý trí, họ đã từ bỏ đường [ranh giới] lịch sử vốn do nước Pháp và  chính phủ triều đình nhà Thanh hoạch định. Việc hoạch định ranh giới Vịnh Bắc Bộ được hoàn tất khi Chủ tịch Giang Trạch Dân còn lãnh đạo Trung Quốc, tới nay đã trải qua hơn chục năm.


Chính phủ ta xưa nay chưa bao giờ chính thức tuyên bố về Đường 9 đoạn ; thế nhưng không ít sách giáo khoa và báo chí nước ta lại coi Đường 9 đoạn là biên giới biển của Trung Quốc, bởi thế đã dẫn đến việc dân chúng [Trung Quốc] coi Nam Hải thành vùng biển của Trung Quốc xưa nay sở hữu. Có một số cơ quan truyền thông [Trung Quốc] trong khi chưa làm rõ vấn đề này, thế mà động một chút đã nói phải đưa tàu chiến đi đánh. Tôi cho rằng cần phải sớm xác định rõ địa vị pháp lý của Đường 9 đoạn. Không làm rõ ràng thì tương lai rất dễ xảy chuyện này nọ. Căn cứ mục 3 điều 121 « Công ước » : « Những đảo đá nhỏ không thể duy trì loài người cư trú hoặc đời sống kinh tế của bản thân thì không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa ». Quần đảo Nam Sa quá ư phân tán, các đảo đá nhỏ rải rác chi chít như bàn cờ, hơn nữa loài người căn bản chẳng thể dựa vào các đảo đá ấy để sống được. Căn cứ theo « Công ước » , không thể hoạch định được vùng đặc quyền kinh tế cho quần đảo Nam Sa. Quần đảo Tây sa cũng vậy. Sau này xác định địa vị pháp lý của các đảo Thủy Hưng, Thái Bình như thế nào thì cũng phải căn cứ theo « Công ước » ; chúng ta ắt phải xử lý nghiêm túc vấn đề này.


Thịnh Hồng : Quan điểm của ông là các đảo ấy là  của chúng ta, nhưng không thể lấy đó làm căn cứ để chủ trương vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ; có phải như vậy không ?


Lý Lệnh Hoa :  Đúng thế, chính là cái lý lẽ ấy.


Trương Thử Quang :  Chúng ta chủ trương đảo này [đảo Hoàng Nham] là  của chúng ta ; Phillippines cũng cho rằng là  của họ, lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ. Chủ trương của chúng ta dựa trên căn cứ nào ?


Lý Lệnh Hoa : Căn cứ vào tư liệu lịch sử, từ xưa tới nay đều là lãnh thổ của Trung Quốc.


Trương Thử Quang : Bởi lẽ cho dù là  chính phủ nhà Thanh hoặc chính phủ Dân Quốc đều không thực tế kiểm soát vùng này ; chỉ có điều chúng ta đơn phương tuyên bố vùng này là thuộc về chúng ta. Nếu đảo Hoàng Nham đã nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phillippines thì tại sao ông lại cảm thấy chúng ta có thể lấy đảo này làm « Phi địa » (飞地 lãnh thổ hải ngoại không tiếp giáp với bản đồ chủ thể của một quốc gia) [4] của chúng ta.


Lý Lệnh Hoa:  Cũng không phải là tất cả các đảo trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý đều thuộc về quốc gia ven biển [ở gần đó]. Thí dụ quần đảo St. Pierre và Miquelon gần Canada thì thuộc Pháp. Hiện nay Tòa án quốc tế có quyền tài phán đối với chủ quyền lãnh thổ các đảo ; trong thực tế các quốc gia cũng có đàm phán với nhau về chủ quyền đảo. Về vấn đề « Phi địa » đảo Hoàng Nham, nước ta [Trung Quốc] không chỉ có vấn đề với Phillippines mà cũng có vấn đề với Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, bởi lẽ các đảo ấy đều là  những đảo đá nhỏ mà. Nhận thức đúng đắn và giải quyết ổn thỏa vấn đề này như thế nào — điều đó còn cần các chuyên gia nhiều chuyên ngành của chúng ta cùng bàn bạc.


Hà Quang Hộ : Còn có vấn đề thực tế kiểm soát nữa, thí dụ quần đảo Malvinas trên thực tế do Anh Quốc kiểm soát, [cần] tôn trọng sự kiểm soát thực tế.


Trương Thử Quang: Vừa rồi [ông] nói Đường 9 đoạn là do nước ta vạch ra năm 1947. Có căn cứ nào để vạch ra cái đó?


Lý Lệnh Hoa Đường 9 đoạn không có căn cứ pháp lý. Có nhà luật học nước ta, kể cả các đồng nghiệp ở Đài Loan cùng có nhận thức như vậy. Hồi đó, các quốc gia ven bờ có nước còn chưa độc lập nữa cơ. Đây chỉ là Trung Quốc đơn phương tuyên bố mà thôi.


Tôi xin tổng kết một chút:  Tôi cho rằng vấn đề chủ yếu nhất trong nội hàm của « Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển » là tái phân định và bố cục lại vùng biển, sao cho mỗi quốc gia ven biển đều có thể có thềm lục địa và vùng biển kinh tế 200 hải lý (hoặc vùng nước tương đối rộng), tạo thuận tiện cho các nước khai thác, sử dụng và quản lý biển, để cho toàn nhân loại đều đi lên con đường cùng nhau giàu có. Điều đó nên là căn cứ cơ bản để chúng ta và các nước xung quanh dựa vào mà giải quyết các tranh chấp ở Nam Hải. Khi đã là quốc gia ký kết  « Công ước » thì chúng ta cần phải xử lý mọi việc theo tinh thần “Công ước”, bày tỏ cho thiên hạ biết sự thành tín của mình./.


 Nguyên Hải dịch nguyên văn từ 


南海争端:国家主权与国际规则(2012-06-21) http://blog.sina.com.cn/s/blog_680f80d101014348.html

Ghi chú : (của người dịch)

1) Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc (Tian ze; Unirule Institute of Economics. Website: http://www.unirule.org.cn) là  một Think-tank dân lập do một số học giả Trung Quốc lập ra, thường xuyên phát biểu các quan điểm khách quan có lý trí không rập theo quan điểm chính thống, đề xuất các kiến nghị có tính chất xây dựng về kinh tế-chính trị-xã hội, có ảnh hưởng lớn trong giới nghiên cứu lý luận ở Trung Quốc.

2) Lý Lệnh Hoa. Sinh 1946. Thời gian 1964-1970 học tại Khoa Hải dương Học viện Hải dương Sơn Đông. 1970-2006 công tác tại Trung tâm Thông tin Hải dương quốc gia (Thiên tân). Nay đã nghỉ hưu.

3) Phòng Tham sự thuộc Quốc vụ viện (QVV) Trung Quốc là một cơ quan trực thuộc QVV, có tính chất mặt trận thống nhất, tính vinh dự lại có tính cố vấn. Tham sự nhà nước là cán bộ cơ quan nhà nước, do Thủ tướng QVV bổ nhiệm ; không rõ cấp bậc hành chính, nghe nói thấp dưới Bộ trưởng.

4) «Phi địa», 飞地, tiếng Anh Exclave : phần lãnh thổ của một quốc gia (hoặc vùng lãnh thổ), nhưng lại hoàn toàn cách ly với bản địa của quốc gia (vùng) đó, bị bao bọc bởi lãnh thổ của các quốc gia (hoặc vùng) khác. Thí dụ vùng Kaliningrad ở phía Đông biển Baltic, diện tích 15100 km2, là lãnh thổ của Liên bang Nga nhưng lại cách bản địa Liên bang Nga 600 km. Kaliningrad bị bao bọc bởi hai nước Ba Lan, Lithuania và biển Baltic. Khi Liên Xô chưa tan rã, Kaliningrad không phải là exclave, vì nó gắn liền với nước CHXHCN Lithuania thuộc Liên Xô.

alt
Hội thảo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com /blog

MÔ HÌNH TƯ THỤC CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH DOANH & CÔNG NGHỆ HÀ NỘI


GS. Trần Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công  nghệ Hà Nội

I- Công lập và trường ngoài công lập
Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954), trải qua 3 năm khôi phục kinh tế (1955 - 1957) và 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958 - 1960), miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình nào? Vào thời điểm đó, không có mô hình nào khác ngoài mô hình "chủ nghĩa xã hội xô - viết". Mô hình này đã từng được Hội nghị các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế (năm 1957 và năm 1960) xác nhận là mô hình mẫu mực của chủ nghĩa xã hội.
Theo mô hình chủ nghĩa xã hội xô - viết thì Nhà nước xã hội chủ nghĩa - Nhà nước của dân và vì dân - có trách nhiệm phải chăm lo cho dân mọi nhu cầu, kể từ cái ăn, cái mặc, công ăn việc làm, cho đến việc học hành, chữa bệnh. Căn cứ vào mô hình đó, mọi loại hình trường tư thục đã từng tồn tại trước đó ở miền Bắc nước ta đều phải chuyển thành trường công lập. Trường công lập trở thành hình thái duy nhất của hệ thống giáo dục quốc dân.
Nhưng chỉ qua 2 thập kỷ, hệ tư tưởng bao cấp đã vấp phải sự bất cập về nguồn lực, mô hình chủ nghĩa xã hội xô viết tỏ ra thiếu sức sống vì đã triệt tiêu động lực quan trọng nhất của sự phát triển - động lực tiềm ẩn trong hoạt động sáng tạo của hàng triệu triệu tư nhân.
Trong quá trình đổi mới quản lý kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã từng bước chuyển sang chính sách kinh tế nhiều thành phần, thực chất là lùi lại nền kinh tế nhiều thành phần đã từng tồn tại trước thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Chính sách kinh tế nhiều thành phần đã mở ra triển vọng phát triển cho các trường ngoài công lập, bởi nó cho phép thu hút vốn đầu tư và nhân lực từ nhiều tầng lớp xã hội để mở trường. Từ đầu những năm 90 của Thế kỷ trước, do nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về giáo dục đào tạo trong khi nguồn ngân sách Nhà nước không đủ đáp ứng, hệ thống các trường ngoài công lập đã trở thành một lực lượng ngày càng quan trọng bên cạnh hệ thống các trường công lập.
Xét theo tiêu chí ai là người bỏ vốn đầu tư để thành lập trường ngoài công lập thì các trường này gồm 2 loại:
- Loại thứ nhất là các trường do các tổ chức xã hội nghề nghiệp thành lập và cấp vốn hoạt động. Các trường này không phải là trường công lập, cũng không phải là trường của tư nhân. Nó được gọi là trường dân lập. Những trường do các doanh nghiệp thành lập và cấp vốn hoạt động cũng có thể liệt kê vào loại này.
- Loại thứ hai là các trường do một người hoặc một nhóm người bỏ vốn thành lập. Đó là trường tư thục. Loại này hiện chiếm phần lớn nhất trong số các trường ngoài công lập.
Đến lượt các trường tư thục, lại có thể phân thành 2 loại, xét theo tiêu chí lợi nhuận và phi lợi nhuận:
- Loại thứ nhất là những trường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Loại trường này có thể do một người hoặc một gia đình thành lập và thu lợi, nó giống như một doanh nghiệp tư nhân.
Loại trường này cũng có thể do một nhóm người thành lập và thu lợi. Trong trường hợp này, nó giống như một công ty trách nhiệm hữu hạn.
Theo chính sách Nhà nước thì loại trường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trước khi chia lãi cho nhà đầu tư.
Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các trường này được quy định bằng 10 % lợi nhuận, nghĩa là đã có phần ưu đãi so với mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho các doanh nghiệp nói chung là 25% lợi nhuận.
- Loại thứ hai là loại trường phi lợi nhuận. Loại trường này nếu có "lợi nhuận" thì không đem chia cho người góp vốn, mà được dùng để tái đầu tư vào sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Theo chính sách Nhà nước thì loại trường này không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
II. Sự lựa chọn của trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội
Trường đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà nội (nay là Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà nội) được thành lập năm 1996. Hồi đó, các trường ngoài công lập đều được gọi là trường dân lập. Chỉ đến năm 2005, khái niệm "tư thục" mới được chính thức thừa nhận qua việc ban hành Quy chế trường đại học tư thục.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường chúng tôi đã được xây dựng theo mô hình tư thục: toàn bộ nguồn vốn hoạt động của Trường đều hình thành từ vốn góp của tư nhân - các thành viên sáng lập, các cán bộ, nhân viên, giảng viên và cộng tác viên của Trường.
Khái niệm tư thục chỉ nói lên nguồn vốn hoạt động của Trường do tư nhân góp lại mà thành. Còn một loạt sự lựa chọn khác gắn liền với mô hình này. Những lựa chọn quan trọng nhất của Trường chúng tôi là như sau:
1. Có chủ hay vô chủ?
Từ kinh nghiệm quản lý các cơ sở quốc doanh - về danh nghĩa thì có chủ mà trên thực tế thì dường như là vô chủ - những người sáng lập Trường khẳng định một nguyên tắc: Trường phải có chủ
* Dựa vào tiêu chí nào để xác lập vị thế người chủ của Trường? Có ý kiến cho rằng cả vốn góp và lao động đều là tiêu chí để xác lập vị thế người chủ. Về lý thuyết thì có thể chấp nhận như vậy. Nhưng đi sâu hơn thì thấy rằng lao động là tiêu chí rất khó lượng định. Một giáo sư và một kỹ thuật viên sơ cấp thì lượng định lao động đóng góp của mỗi người như thế nào? Mỗi người phải lao động không lương cho trường bao nhiêu thời gian thì được xem là góp vốn bằng lao động? Do tính chất phức tạp của việc góp vốn bằng lao động, ý tưởng này đã bị gạt bỏ. Chỉ còn lại tiêu chí góp vốn bằng tiền. Mức góp tối thiểu để trở thành "cổ đông" được ấn định là 10 triệu đồng, tương đương 1.000USD vào thời điểm năm 1996. Không khống chế mức góp tối đa, vì Trường lúc nào cũng có nhu cầu lớn về vốn đầu tư.
* Sau 5 năm hoạt động, nguồn thu học phí của Trường đã đủ để trang trải các chi phí thường xuyên. Lúc này, nảy sinh ý kiến nên trả lại vốn góp cho các cổ đông. Ý kiến này không được chấp nhận, bởi 2 lẽ: (1) nếu mọi cổ đông đều rút vốn thì còn ai là chủ của Trường? Một trường vô chủ thì nguy cơ rối loạn là khó tránh khỏi. (2) Mặt khác, nhu cầu về vốn đầu tư vẫn rất lớn, nếu Trường muốn tạo dựng cơ nghiệp của riêng mình, đặc biệt là về trường sở.
* Khi số lượng cổ đông của Trường lên đến hàng trăm, lại nảy sinh ý kiến cần hạn chế bớt số lượng cổ đông làm cho việc điều hành gọn nhẹ hơn. Ý kiến này không nhận được sự đồng tình của một số cổ đông. Mặt khác, một trường đại học muốn trường tồn thì phải gồm nhiều thế hệ cổ đông, thế hệ này qua đi thì phải có thế hệ khác tiếp nối. Tính đến cuối năm 2010, số lượng cổ đông của Trường đã lên đến 774 người, số vốn góp đã lên đến 75 tỷ đồng.
2. Vì mục tiêu lợi nhuận hay là phi lợi nhuận?
* Nếu người góp vốn được chia lãi cuối năm thì việc góp vốn đương nhiên là có sức hấp dẫn cao. Tuy nhiên, điều bất lợi cũng rất lớn. Trong tình hình  mặt bằng học phí của nước ta rất thấp, tỷ suất lợi nhuận rất thấp, nếu phải chia lợi nhuận cho người góp vốn thì chẳng còn lại bao nhiêu cho việc nâng cao chất lượng đào tạo!
* Nếu là trường phi lợi nhuận thì những người góp vốn có được lợi ích gì? Họ nhận được một lãi suất cố định giống như lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thương mại, có phần nhỉnh hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm (lãi suất này được giữ ổn định từ ngày thành lập Trường đến nay là 1,2%/ tháng). Con số 75 tỷ đồng vốn góp đủ nói lên tính hấp dẫn của việc góp vốn theo điều kiện đó. Lãi suất trả cho người góp vốn không phải là phân phối lợi nhuận sau một năm kinh doanh. Nó được hạch toán vào chi phí, giống như lãi suất trả cho ngân hàng khi phải vay vốn của ngân hàng.
* Đối với một trường phi lợi nhuận thì thực ra không có khái niệm lợi nhuận, chỉ có khái niệm "chênh lệch thu chi". Chênh lệch thu chi, nếu dương, thì được sử dụng vào các mục tiêu sau:
- Nâng cao chất lượng đào tạo
- Cải thiện điều kiện học tập cho sinh viên
- Cải thiện điều kiện làm việc và thù lao cho cán bộ nhân viên và giảng viên
- Dành một phần tích luỹ để từng bước hình thành quỹ phát triển của Trường, quỹ này chủ yếu dùng để xây dựng trường sở.
Như vậy, nguyên tắc phi lợi nhuận bảo đảm được sự hài hoà của 4 lợi ích:
- Lợi ích của người góp vốn
- Lợi ích của sinh viên
- Lợi ích của cán bộ nhân viên và giảng viên
- Lợi ích lâu dài của Trường.
Nếu chỉ một chiều bảo đảm lợi ích của người góp vốn (chia lợi nhuận) thì khó lòng bảo đảm được một cách thoả đáng các lợi ích khác.
3. Dân chủ và Tập trung dân chủ
Khi số lượng người chủ của Trường (tức cổ đông) lên tới hàng chục và hàng trăm người thì vấn đề tổ chức nổi lên hàng đầu. Tổ chức như thế nào để mọi người thấy được vị trí làm chủ của mình, tránh được tình trạng thâu tóm quyền lực vào tay một người hoặc một số người, hoặc ngược lại, tình trạng "nhiều sãi không ai đóng cửa chùa"? Để giải quyết vấn đề này, phải thực thi nguyên tắc dân chủ và tập trung dân chủ là 2 nguyên tắc đã trở thành thành quả chung của loài người.
* Trước hết nói về dân chủ. Ai có quyền quyết định công việc của nhà trường? Có ý kiến cho rằng quyền quyết định phải trao vào tay những người có số vốn góp lớn nhất. Ý kiến phản bác lại thì cho rằng: thành công của một trường đại học không phụ thuộc vào số vốn góp lớn, mà phụ thuộc vào trí tuệ. Một số người có vốn góp lớn nhưng trí tuệ thì lại không cao. Trong khi đó thì một số người chỉ có vốn góp ở mức tối thiểu, nhưng năng lực trí tuệ thì lại có thể đóng góp nhiều vào sự thành công của Trường. Lựa chọn thứ hai đã được chấp nhận. Vì vậy, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Trường quy định: "Mỗi cổ đông có một phiếu biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, không phụ thuộc vào số vốn góp nhiều hay ít".
* Nguyên tắc dân chủ phải được thực thi ở mọi cấp độ tổ chức của Trường: Tổ bộ môn, Khoa , Phòng, Ban Giám hiệu, Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông. Mọi vấn đề phải được bàn bạc dân chủ trước khi đi đến quyết định - hoặc quyết định bằng đồng thuận, hoặc quyết định bằng đa số, hoặc quyết định bằng cấp có thẩm quyền cao nhất. Những ý kiến thiểu số cần được bảo lưu, vì lúc này không được chấp nhận nhưng lúc khác có thể được chấp nhận. Không khí dân chủ phải bao trùm  mọi hoạt động của Trường, mọi tổ chức của Trường, để mọi người đều cảm nhận được mình là chủ tập thể của Trường. Những hiện tượng độc đoán, trù úm phải được kịp thời xử lý. Nguyên tắc dân chủ phải được thực thi ngay cả đối với sinh viên: Trường chúng tôi tôn trọng quyền chọn ngành học của sinh viên, miễn là sinh viên đủ điểm vào đại học hay cao đẳng theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
* Một tổ chức có nhiều người làm chủ, muốn tránh rối loạn, phải thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ - tập trung trên cơ sở dân chủ của các cổ đông: Đại hội đồng cổ đông bầu ra Hội đồng quản trị, Hội đồng quản trị cử ra Ban Giám hiệu để điều hành các hoạt động hàng ngày của Trường. Ban Giám hiệu cũng là cơ quan chuẩn bị các đề án trình ra Hội đồng quản trị, và với chức năng đó, nó đóng vai trò như cơ quan thường trực của Hội đồng quản trị. Mọi quyết định quan trọng của Trường, kể cả những quyết định về nhân sự chủ chốt, đều phải thông qua Hội đồng Quản trị.
* Trong Quy chế trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, không thấy quy định "Hội đồng trường" trong cơ cấu tổ chức của trường đại học tư thục, chỉ quy định Hội đồng quản trị gồm tối đa 7 người. Với số lượng 7 người thì không đủ đại diện cho các ngành học, các Khoa, các Phòng của Trường. Điều này không thuận lợi cho việc quyết định của Hội đồng quản trị khi đề cập đến những vấn đề chiến lược phát triển của Trường cũng như những vấn đề tài chính phân phối liên quan đến lợi ích của mọi người trong Trường.
Vì vậy, Trường chúng tôi đã mở rộng thành phần của Hội đồng quản trị để Hội đồng này kiêm luôn cả chức năng "Hội đồng trường". Những thành viên vượt con số 7 người được gọi là uỷ viên dự khuyết. Mở rộng thành phần của Hội đồng quản trị như vậy cũng có nghĩa là mở rộng dân chủ trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của Trường.
4. Tài chính và phân phối
Tài chính và phân phối là yếu tố dễ gây mất đoàn kết nhất trong một tổ chức. Trường đại học tư thục càng phải quan tâm xử lý đúng vấn đề này.
* Trường đại học có nhiều ngành học, nhiều bậc học, nhiều hình thức đào tạo, mỗi thứ có nguồn thu khác nhau, nhu cầu chi khác nhau, do đó mà "tỷ suất doanh lợi" khác nhau. Những ngành học có tỷ suất doanh lợi tương đối cao thì thường có khuynh hướng "ăn chia" riêng. Điều này sẽ dẫn đến sự suy tỵ giữa các bộ phận, đó là mầm mống làm cho tổ chức tan rã. Cần nhận thức rằng sức mạnh của trường đại học, sự thành công của trường đại học nằm ở hệ thống phân công lao động hợp lý và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Khoa, các Phòng. Tách rời giữa các Khoa, các Phòng thì không thành được trường đại học, không đào tạo nổi một sinh viên
Để đảm bảo tính thống nhất của tổ chức, phải thực thi nguyên tắc thống nhất thu chi tài chính trong toàn Trường, thống nhất tiêu chuẩn phân phối trong toàn Trường, không chấp nhận hạch toán độc lập theo từng ngành học, từng hình thức đào tạo.
Nhiệm vụ quan trọng của Ban Giám hiệu và Hội đồng quản trị là phải xác định các chuẩn mực thu, các chuẩn mực chi, các tiêu chuẩn phân phối, bao gồm hệ thống lương và thù lao giảng dạy, nội dung thưởng và mức thưởng, đồng thời cũng phải dành một tỷ lệ thoả đáng nhằm khuyến khích vật chất đối với những công việc đòi hỏi tính năng động sáng tạo của cán bộ nhân viên.
Nguyên tắc phân phối phải là "phân phối theo lao động", tức là phân phối căn cứ vào chất lượng và số lượng lao động thực tế cống hiến của mỗi người, không máy móc căn cứ vào chức vụ hoặc học hàm học vị.
* Về tài chính, tuy là một trường phi lợi nhuận, vẫn phải quản lý như một doanh nghiệp. Phải cân nhắc từng khoản thu, từng khoản chi, bảo đảm ít nhất cân bằng thu chi trong từng thời kỳ, nếu chưa có tích luỹ thì cũng phải có dự phòng. Trường tư thục mà lỗ vốn thì chỉ có việc phá sản, chẳng ai cứu được mình.
Trong những năm đầu thành lập, tài chính của Trường luôn luôn căng thẳng là điều dễ hiểu, vì nguồn thu học phí còn hạn hẹp mà nhu cầu mua sắm trang thiết bị dạy và học thì lớn. Khả năng tích luỹ chỉ từng bước xuất hiện sau 5 - 10 năm. Phải tuỳ khả năng tích luỹ mà đáp ứng từng bước các nhu cầu.
Nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo có thể xem là vô hạn. Chỉ có thể đáp ứng từng bước, tuỳ theo khả năng tích luỹ của Trường.
Nhu cầu cải thiện điều kiện học tập cho sinh viên, cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ nhân viên và giảng viên, cải thiện chế độ tiền lương và thù lao giảng dạy cũng có thể xem là vô hạn. Phải căn cứ vào khả năng tích luỹ của Trường mà đáp ứng từng bước.
* Việc xây dựng trường sở là một nhu cầu lớn và là một mục tiêu dài hạn. Nguồn vốn để thực hiện mục tiêu này chủ yếu dựa vào vốn góp của cổ đông, chỉ một phần dựa vào tích luỹ của Trường. Ngay từ Hội nghị lần thứ nhất của Đại hội đồng cổ đông (năm 1997), các thành viên sáng lập Trường đã xác định:
Trong điều kiện mặt bằng học phí rất thấp của nước ta (học phí chỉ đủ trang trải chi phí đào tạo ở mức rất hạn hẹp) thì không thể coi giáo dục là một lĩnh vực kinh doanh. Nếu tìm kiếm lợi nhuận từ giáo dục thì không tránh khỏi phải hạ thấp chất lượng giáo dục xuống.
Tuy nhiên, các thành viên sáng lập Trường cũng nhìn thấy ở giáo dục một cơ hội kinh doanh. Đó là "kinh doanh bất động sản".
Trong học phí của sinh viên bao giờ cũng có một bộ phận dành cho chi phí về trường sở (thuê hoặc khấu hao), bộ phận đó bằng khoảng 20% học phí. Nếu cổ đông xây dựng được trường sở bằng vốn góp của mình để phục vụ sinh viên thì bộ phận học phí đó đương nhiên thuộc về cổ đông. Trường chúng tôi trả lãi vốn góp của cổ đông chính là bằng bộ phận học phí đó. Tiền lãi trả cho vốn góp của cổ đông về thực chất là tiền cho thuê trường sở mà cổ đông đã bỏ vốn để xây dựng lên.
Về phía sinh viên, nếu gọi đó là tiền thuê trường sở thì tiền thuê này được tính với giá tương đối rẻ, thấp hơn nhiều so với giá thuê từ những người kinh doanh bất động sản. Từ khi Trường chúng tôi xây được trường sở khang trang, thoáng mát (20.000m2 sàn), thì khoản chi phí về trường sở hạ xuống, chỉ còn bằng khoảng 15% học phí, so với 20% trước đây, khi phải đi thuê.
KẾT LUẬN
Với những đặc trưng nêu trên, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phải là một công ty trách nhiệm hữu hạn, cũng không phải là một công ty cổ phần, mà là một tổ chức hợp tác (hay hợp tác xã) của những người lao động (nòng cốt là những người lao động trí óc), tự nguyện góp sức góp vốn để xây dựng và phát triển Trường bền vững, vì sứ mệnh trồng người, không vì mục tiêu lợi nhuận. Nguyên tắc phi lợi nhuận bảo đảm được sự hài hoà của 4 lợi ích: Lợi ích của người góp vốn, lợi ích của sinh viên, lợi ích của cán bộ, nhân viên và giảng viên làm việc cho Trường, và lợi ích lâu dài của Trường.
Trường chúng tôi là một trường có chủ. Những người chủ của Trường được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ và tập trung dân chủ, vừa bảo đảm được tính dân chủ rộng rãi, vừa bảo đảm được quyền lực và kỷ cương trong quản lý. Sự đoàn kết thống nhất của các cổ đông, của các cán bộ nhân viên và giảng viên toàn trường nhờ đó mà được bảo đảm.
Với đặc trưng "hợp tác xã" và phi lợi nhuận, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà nội không thuộc phạm trù "kinh tế tư nhân", mà thuộc phạm trù "kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa". Tiền đồ phát triển của nó gắn liền với định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.
Khác với các cơ sở kinh doanh - nay thịnh mai suy, nay hợp mai tan - các trường tư thục phi lợi nhuận có khả năng trường tồn cùng xã hội. Đó là điều đã thấy ở châu Âu và Mỹ. Có những trường thành lập cách đây 7 - 8 trăm năm mà nay vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển (Cambridge năm 1284, Oxford năm 1163, Harvard năm 1636). Kinh nghiệm thành công của họ đáng để cho chúng ta suy ngẫm./.

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp trung học gây chấn động nước Mỹ





TT - Phát biểu trong lễ tốt nghiệp của các học sinh lớp 12 Trường trung học Wellesley High ở bang Massachusetts (Mỹ) tuần trước, giáo viên tiếng Anh David McCollough Jr đã gây schock khi nói thẳng...
Thế nhưng, bài phát biểu của David McCollough lại được nhiều tờ báo và hãng tin Mỹ đăng tải, và thu hút được hàng chục ngàn comment (bình luận) trên mạng Internet, phần lớn đều ủng hộ thông điệp của ông McCollough.
Trong bài diễn văn tại lễ tốt nghiệp năm 2012, thay vì lặp lại những câu sáo mòn như "Chúng tôi rất tự hào về các em", "Các em rất tài năng", "Thế giới là của các em"..., ông McCollough đưa ra một thông điệp mà giới truyền thông Mỹ mô tả là "Xin chào mừng các em đến với cuộc đời thực".
Wellesley High là trường công nổi tiếng ở thị trấn giàu có Wellesley, có truyền thống lâu đời và từng sản sinh nhiều nhân tài cho nước Mỹ. David McCollough Jr là con trai của nhà sử học - nhà văn David McCollough, người từng đoạt giải thưởng Pulitzer.
Trước các học sinh của mình đang xúng xính trong bộ đồng phục tốt nghiệp giống nhau, đang háo hức cầm trên tay tấm bằng, McCollough dõng dạc nói rằng "Các em chẳng có gì là đặc biệt", "chẳng có gì là phi thường"! Một gáo nước lạnh như được giội xuống mọi thành tích vẻ vang của trường!
Trước bao ánh mắt mở to sửng sốt, McCollough điềm nhiên nói tiếp: "Các em đã được hầu hạ tận miệng, nâng niu mỗi ngày, được nuông chiều, được bảo bọc cẩn thận. Vâng, người lớn đã ôm hôn các em, cho các em ăn, lau miệng... cho các em. Họ dạy dỗ, hướng dẫn, lắng nghe, động viên và an ủi các em. Các em được nâng niu, phỉnh phờ, dỗ ngon dỗ ngọt, được nghe toàn những lời nài nỉ. Các em được người lớn ngợi khen đến tận trời xanh, được gọi là cục cưng. Đúng vậy đó. Chúng tôi đã ở bên cạnh các em trong các trò chơi, vở kịch, các cuộc biểu diễn âm nhạc, hội chợ khoa học. Những nụ cười tỏa sáng khi các em bước vào phòng, đáp lại mỗi tin nhắn trên Twitter của các em là những tiếng hô hào hứng. Và giờ các em đã chinh phục được trường trung học. Nhưng đừng lầm tưởng rằng các em là đặc biệt. Không có chuyện đó đâu nhé!".
Đến đây, McCollough dẫn các học sinh vào một hiện thực đang chờ đợi mình. "Mỗi năm có ít nhất 3,2 triệu học sinh tốt nghiệp từ hơn 37.000 trường trung học trên toàn quốc. Đó là 37.000 học sinh tiêu biểu của các trường, 37.000 chủ tịch hội học tập, 92.000 giọng ca nổi bật, 340.000 vận động viên... Nhưng tại sao lại tự giới hạn chúng ta ở trường trung học thôi? Hãy thử nghĩ xem. Nếu cả triệu người mới có một người như các em thì trên thế giới 6,8 tỉ dân này sẽ có tới gần 7.000 người như các em. Hãy nhìn toàn cảnh. Hành tinh của chúng ta không phải là trung tâm Hệ mặt trời, Hệ mặt trời không phải là trung tâm Ngân hà, Ngân hà cũng chẳng phải là trung tâm vũ trụ. Các nhà thiên văn đã khẳng định vũ trụ không có trung tâm đâu, do đó các em không thể là "cái rốn" của vũ trụ. Ngay cả tỉ phú Mỹ nổi tiếng Donald Trump cũng chẳng là "cái đinh" gì".
McCollough dẫn dắt tiếp: "Người Mỹ chúng ta giờ đây yêu các danh hiệu hơn là những thành công thật sự. Chúng ta coi danh hiệu là mục tiêu và sẵn sàng thỏa hiệp, tự hạ thấp các chuẩn mực, hoặc phớt lờ thực tế khi cho rằng đó là cách nhanh nhất hoặc duy nhất để có được những thứ có thể đem ra khoe mẽ, để có một vị trí tốt hơn trong xã hội... Hậu quả là chúng ta đang coi rẻ các trải nghiệm đáng giá, thế nên việc xây dựng một cơ sở y tế ở Guatemala trở thành chìa khóa để chạy xin vào học tại Bowdoin (học viện nghệ thuật nổi tiếng ở Mỹ) hơn là việc này vì cuộc sống của người dân Guatemala".
Hạnh phúc không tự tìm đến
McCollough nhấn mạnh mục tiêu thật sự của giáo dục không phải đem lại lợi thế vật chất mà là sự hiểu biết, yếu tố quan trọng của hạnh phúc. "Trước khi các em tỏa đi khắp nơi, tôi kêu gọi các em hãy làm những gì mình yêu thích và tin tưởng. Hãy kháng cự lại sự thỏa mãn nhất thời, vẻ lóng lánh bề ngoài của vật chất, sự tê liệt của lòng tự mãn. Hãy xứng đáng với những lợi thế mà mình có".
Sau khi khuyên các học sinh hãy tiếp tục đọc sách thường xuyên, phát triển ý thức về đạo đức, khẳng định cá tính, dám ước mơ, làm việc chăm chỉ và tư duy độc lập, yêu những người mình yêu hết mình, McCollough nhắc nhở: "Hãy làm như vậy một cách nhanh chóng, bởi mỗi giây phút đều quý giá. Cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa là một thành tựu đòi hỏi nỗ lực, chứ không phải là thứ từ trên trời rơi xuống vì các em là người tốt hay vì cha mẹ đưa đến tận tay các em.
Các em hãy nhớ rằng những người tạo dựng nên nước Mỹ đã nỗ lực đảm bảo quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Mưu cầu là một động từ, và tôi nghĩ các em sẽ không có nhiều thời gian để nằm ườn một chỗ xem mấy trò nhảm nhí trên YouTube. Đừng mong chờ cảm hứng và niềm đam mê sẽ tự tìm đến với các em. Hãy đứng dậy, bước ra bên ngoài, tự mình khám phá, tìm kiếm cảm hứng cùng niềm đam mê và hãy giữ chắc nó bằng cả hai bàn tay".
Kết thúc phát biểu của mình, ông McCollough nhắn nhủ các học sinh hãy tự chủ, độc lập, sáng tạo không vì sự thỏa mãn do hành động đó mang lại, mà vì những điều tốt đẹp nó đem đến cho người khác. "Và khi đó, các em sẽ phát hiện sự thật vĩ đại và lạ lùng của cuộc sống. Đó là lòng vị tha, sống vì người khác, và đó là điều tuyệt vời nhất các em có thể làm được cho bản thân. Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận ra rằng mình không có gì là đặc biệt".
Sự quan tâm thái quá của người lớn khiến cái tôi của bọn trẻ phình to. Do đó, tôi nghĩ chúng cần một cách suy nghĩ mới. Đưa chúng vào đời với cái tôi quá lớn chẳng khác nào làm hại chúng, McCollough khẳng định. Trả lời phỏng vấn Fox News, McCollough giải thích ông muốn các học sinh hiểu rằng chúng phải nỗ lực nếu muốn thành công trong cuộc đời.
                                                                                                                      Theo trannhuong.com

Không được khách khí - Truyện vui của Dị Minh (Trung Quốc)


  28/06/2012 (Theo VNCA)








Vì quan hệ công việc, tôi thường phải đến Tổng công ty để giao báo biểu. Đi lại được vài tháng, tôi với anh em ở đó trở nên thân quen, mỗi khi gặp nhau đều thăm hỏi vài câu xã giao.
Ở bộ phận nghiệp vụ có Tôn Ca đối xử với tôi rất nhiệt tình, gặp nhau đều hàn huyên đôi câu chuyện vui vẻ, tếu táo, đại loại kiểu: "Trên đường đi có gặp cơn bão nào không đấy?", hoặc: "Ôi, hôm nay sao gầy thế, gầy thế!". Tôn Ca còn mời tôi đến nhà uống trà vì nhà anh ấy ở ngay gần Tổng công ty. Tuy nhiên, do thời gian ít, công việc bận rộn, hơn nữa tôi cũng cảm thấy ý tứ có gì đó không thuận nên lần nào tôi cũng từ chối. 
Giao báo biểu là công việc rất phiền phức, cần đối chiếu từng số liệu cho thật khớp và rõ ràng nên có khi công việc làm trong buổi sáng không xong, tôi thường nán lại ở Tổng công ty, ăn uống qua loa rồi lại tiếp tục công việc.
Có lần, đi ăn trưa về, tôi đụng phải Tôn Ca. Anh lớn tiếng hỏi tôi:
- Đã ăn cơm chưa?
Tôi đáp:
- Vừa mới ăn ở nhà ăn rồi!
Tôn Ca tỏ ý rất thất vọng, nói:
- Xem anh kìa, đã đi qua cửa nhà tôi rồi, còn đến ăn cơm ở nhà ăn. Lần sau nhất định anh phải đến nhà tôi ăn cơm để bà xã tôi còn có dịp biểu diễn mấy món. Không được khách khí đâu đấy!
Tôi chỉ còn biết gật đầu lia lịa.
Mấy ngày sau, đúng vào giờ ăn trưa tôi lại đụng phải Tôn Ca. Anh ta lại hỏi:
- Đã ăn cơm chưa?
Tôi đáp đã ăn ở nhà ăn rồi. Tôn Ca trách tôi:
- Đã nói với anh mấy lần rồi, buổi trưa qua nhà tôi ăn cơm. Chỗ anh em với nhau anh làm gì mà khách khí quá thế?
Tôi thấy rất áy náy, trả lời:
- Thôi để lần sau, lần sau nhất định tôi sẽ sang.
Thời gian ấy, công việc quá bận, buổi trưa ngày hôm sau tôi lại ăn cơm ở Tổng công ty. Lần này tôi lại đụng phải Tôn Ca, anh ấy lại hỏi:
- Đã ăn cơm chưa?
Tôi hạ giọng, đáp:
- Thức ăn của nhà ăn hôm nay hơi nguội, nhưng cũng không đến nỗi tồi…
Tôn Ca nổi nóng:
- Tôi mời anh đến nhà tôi ăn cơm, anh lần lữa mãi không chịu đến, vì sao vậy? Anh coi thường tôi chăng? Anh ơi! Thế là anh quá khách khí rồi nhé!
Nghe Tôn Ca bực dọc trách móc như vậy, tôi tự hỏi có đúng mình khách khí quá không và tự thấy trong lòng rất hổ thẹn.
Mấy ngày sau, đến Tổng công ty làm việc, tôi lại phải làm thêm giờ. Đến lúc thấy kiến bò bụng mới nghĩ đến chuyện ăn cơm trưa. Ai dè mới ra đến cổng lại đụng ngay Tôn Ca, anh ấy vẫn hỏi tôi đúng câu hỏi quen thuộc:
- Đã ăn cơm chưa?
Rút kinh nghiệm những lần trước, tôi đáp:
- Còn chưa ăn.
Vừa nói, tôi vừa ngẫm nghĩ, suy tính, xem liệu có nên đến nhà Tôn Ca ăn cơm hay không.
Lần này thì lạ thay, không thấy Tôn Ca to tiếng trách móc gì cả. Anh ta vỗ vỗ nhẹ vào vai tôi và bảo:
- Vậy thì đi nhanh lên, anh đến muộn là nhà ăn họ đóng cửa mất đấy

  Trần Dân Phong (dịch)

Viễn cảnh diệt vong của trái đất

Tính đến thời điểm này, giới khoa học nắm chắc được 2 viễn cảnh dẫn đến sự diệt vong của trái đất, và tất cả đều xuất phát từ những quy trình của định mệnh. 

Viễn cảnh diệt vong của trái đất
Các chuyên gia dự đoán về cú va chạm giữa dải Ngân hà và Tiên Nữ trong 4 tỉ năm nữa - Ảnh: NASA
Không ai có thể dự đoán chính xác được tương lai, huống chi là thời điểm diệt vong của trái đất. Trong những giả thuyết tận diệt được suy luận một cách logic dưới con mắt của giới thiên văn và vật lý học, có ít nhất 2 giả thuyết tạm chấp nhận được về cái kết thương tâm của địa cầu. Đó là khả năng dải Ngân hà đâm vào thiên hà láng giềng và mặt trời đốt hết nhiên liệu. May mắn là những diễn biến đó phải đợi thêm vài tỉ năm nữa mới xảy ra.
Viễn cảnh dải Ngân hà và thiên hà Tiên Nữ láng giềng lao vào nhau, sau 4 tỉ năm nữa, là kết quả tác động của lực hấp dẫn không thể lay chuyển giữa 2 “đứa con” nặng ký của vũ trụ, với mỗi thực thể nặng sơ sơ hơn 1 nghìn tỉ lần khối lượng mặt trời của chúng ta. Cách đây 300 năm, nhà vật lý học thiên tài Isaac Newton có thể đã dự đoán được sự chạm trán giữa những gã khổng lồ này nếu nắm được dữ liệu về khối lượng và vận tốc của 2 thiên hà. Nó cũng rõ ràng như nhìn quả táo rơi trong vườn giúp Newton nghĩ ra thuyết vạn vật hấp dẫn, theo Space.com.
Trong khi đó, mặt trời sẽ cháy hết nhiên liệu sau 4 - 5 tỉ năm nữa, đẩy địa cầu vào bóng tối lạnh lẽo. Đây là kết cục phổ biến đối với mọi ngôi sao trong vũ trụ. Và nếu vũ trụ không sản sinh thêm ngôi sao nào nữa, mặt trời cuối cùng sẽ tắt ngúm trong 100 nghìn tỉ năm tính từ thời điểm này. Quay lại mặt trời của chúng ta, khi hết hydro để có thể duy trì chu trình phản ứng bên trong lõi, nó sẽ phình to và biến thành sao khổng lồ đỏ. Trong quá trình này, mặt trời nuốt luôn các hành tinh gần nhất, từ sao Thủy, sao Kim, trái đất và thậm chí sao Hỏa cũng không thoát được. Những hành tinh còn lại sẽ lâm vào tình trạng bất ổn và sự hỗn loạn sẽ hủy hoại hệ mặt trời. Dần dần, sao lùn trắng nhỏ xíu sẽ thay vào chỗ từng là mặt trời rực rỡ, xung quanh là tro bụi còn lại của hệ mặt trời. Diễn biến này đã được các chuyên gia phân tích trong lúc quan sát các sao lùn trắng khác.
Ngoài 2 kết cục không thể thay đổi trên, toàn bộ những giả thuyết còn lại về thảm họa vũ trụ dội xuống trái đất đều chưa có gì chắc chắn. Khả năng xuất hiện tiểu hành tinh “sát thủ” cũng đang được phân tích và theo dõi sát sao, vì mỗi 100 triệu năm thì xác suất địa cầu bị tiểu hành tinh tấn công cũng có thể xảy ra. Một vụ nổ sao băng gần hệ mặt trời cũng có thể xóa sổ nhân loại trong vòng 250 triệu năm nữa. Đó chưa kể những giả thuyết như hố đen nuốt chửng hành tinh, bão mặt trời “nướng” trái đất…  
                                                                                                                                          Hạo Nhiên

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Những hình ảnh hiếm về đám tang vua Khải Định




Khải Định lên ngôi vua được 10 năm thì bị bệnh nặng và mất vào ngày 20/9 năm Ất Sửu tức 6/11/1925, thọ 40 tuổi. Lăng của vua Khải Định hiệu Ứng Lăng được xây cất tại làng Chân Chữ, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Những bức hình được người Pháp chụp nằm trong bộ sưu tập của ông Ngô Văn Ðức ở Bordeaux, Pháp.
Ảnh minh họa
Các quan khâm sai, toàn quyền Pháp đến dự đám tang vua Khải Định
Ảnh minh họa
Lễ động quan ở điện Càn Thành
Ảnh minh họa
Đám rước bắt đầu khởi hành
Ảnh minh họa
Qua cổng thành
Ảnh minh họa
Đoàn tăng ni cầm phướn đi dẫn đầu
Ảnh minh họa
Đoàn con hát
Ảnh minh họa
Đoàn lính tráng
Ảnh minh họa
Voi cũng có mặt trong đám rước
Ảnh minh họa
Tên họ và chức tước của vua được ghi trên bức trướng trong đám rước
Ảnh minh họa
Tại vùng Châu Ê (triền núi Châu Chữ)
Ảnh minh họa
Đám rước đến lăng
Ảnh minh họa
Chuẩn bị nhập lăng
Ảnh minh họa
Đồ tùy táng được đốt để gửi cho vua
Ảnh minh họa
Quang cảnh khu vực lăng Khải Định
Ảnh minh họa
Dân chúng tấp nập trên sông Hương coi đám tang nhà vua


Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Đột nhập “công nghệ” trồng táo đẹp và độc của Trung Quốc


Ngành thực phẩm Trung Quốc lại bị rúng động khi một cuộc điều tra mới đây cho thấy những quả táo đỏ, thơm ngon nổi tiếng ở Yên Đài, Sơn Đông được bọc trong túi chứa chất bột độc hại ngay từ trên cây.

Những quả táo trông thơm ngon, nhưng có thể khiến người tiêu dùng bị bệnh.
Táo đỏ ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông nổi tiếng với vỏ đỏ hồng và giòn được bán ở khắp Trung Quốc. Hai nhà cung cấp lớn của Sơn Đông mỗi năm bán ra thị trường hàng tỉ kg loại táo này. Nhưng những quả táo trông đẹp mắt, thơm ngon lại gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng, bởi chúng được bọc trong những túi không được kiểm dịch, chứa một loại bột độc hại.

Một cuộc điều tra gần đây cho thấy một lượng lớn táo của những người trồng táo ở thành phố Sơn Đài đã được bọc táo trong những túi nilong chứa loại bột trắng “chữa bệnh” bí ẩn.
Cả thành phần của túi thuốc và danh tính của người cung cấp được xem là “bí mật công nghiệp”. Tuy nhiên nông dân địa phương và một số cá nhân trong ngành nông nghiệp hiện đã thú nhận rằng “mọi người đều biết” các túi đó chứa thiram (một loại diệt nấm nguy hiểm, bị cấm) và melarsoprol (hợp chất thạch tín hữu cơ độc hại).
Loại túi này được các trang trại trái cây địa phương dùng rộng rãi.
Trái cây được bọc trong túi này trong thời gian phát triển.
Hồi tháng 3 năm nay, chính quyền địa phương đã thu giữ hơn 200 triệu túi loại này và đã ra lệnh cấm sử dụng. Nhưng một lượng lớn túi vẫn được sản xuất và được các trang trại táo sử dụng.
Táo được bọc trong túi chứa chất độc có vỏ mịn hơn những túi thông thường.
Những túi này được sản xuất trong những xưởng nhỏ, bí mật.
“Vật liệu” của túi gồm thuốc trừ sâu và nước.
Công nhân làm túi ở một phân xưởng.
Những túi này được dán nhãn “túi chỉ dùng cho táo” nhưng không hề có một từ nào về “thuốc sâu”.

Theo Báo Người Lao Độn

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Chúng mình 3 đứa vui sao




 http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153112/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153154/?page=2

  
http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153125/?page=0


 http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153124/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153111/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153123/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153129/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153122/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153126/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153130/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153127/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153156/?page=2


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153140/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153141/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153142/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153137/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153114/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153139/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153115/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153120/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153157/?page=2


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153121/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153138/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153116/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153144/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153155/?page=2


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153148/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153145/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153146/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153117/?page=0

 
http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153147/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153128/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153135/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153136/?page=1

http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153159/?page=2

http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153119/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153143/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153133/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153151/?page=2



http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153132/?page=1

 

http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153158/?page=2


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153149/?page=1



 http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153152/?page=2


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153134/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153113/?page=0


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153131/?page=1


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153153/?page=2


http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153150/?page=1


 http://fotki.yandex.ru/users/dreamnataly/view/153118/?page=0



 








Nhấp vào đây để Trả lời, Trả lời tất cả hoặc Chuyển tiếp
Quảng cáo – Tại sao hiển thị quảng cáo này?
Tyvek Wristband For Party & Concert Thermal Wristband For Hospital Use
32% đầy
Đang sử dụng 3.294 MB trong tổng số 10.254 MB
Hoạt động tài khoản gần đây nhất: 22 phút trước
Chi tiết