Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Bảo vật quốc gia: Hào quang của cây đèn hình người quỳ



Nhà khảo cổ học Thụy Điển Olov Janse không phàn nàn gì khi ô tô lạc đường ở Thanh Hóa trong buổi chiều nhá nhem tối năm 1935. Nhưng ông sẽ phải cảm ơn đôi mắt kém của người tài xế vì nhờ anh ta mà ông tìm thấy cây đèn cổ có một không hai.
Olov Janse đã mất một ngày ròng rã tại Lạch Trường, Thanh Hóa, để tìm dấu vết của một di vật mà ông có trong tay. Đó là một đồ gia dụng bằng sứ thời Tống. Bao quanh làng ven biển là tre xanh rậm rạp và cây xương rồng ngổn ngang không ai đi qua được. “Chúng tôi phát hiện vị trí người ta tìm thấy một phần cổ vật - một khu mộ thời Tống. Tuy vậy khai quật thử cho thấy cánh đồng đã bị bọn trộm cổ vật sục sạo. Không gì lớn đáng được quan tâm về mặt khảo cổ. Chúng tôi thất vọng ra về”, trong nhật ký khảo cổ của mình ông ghi lại.
Nhưng rồi trí nhớ và đôi mắt kém của người lái xe tên Chúc lại dẫn ông vào một cuộc phiêu lưu mới. “Chúng tôi đi tiếp. Trong lúc để ông Chúc tạt vào một nhà dân hỏi đường, tôi đi quanh vườn để xem xét. Rồi sự tò mò được đền đáp. Ngay cạnh khu nhà, có một ngôi mộ to cao trên một khu đất hình chữ nhật dài khoảng 15m. Tôi biết ngay gò đất cao này là khu mộ lớn từ thời Hán. Tôi cũng biết rằng khu mộ này chắc hẳn không phải đơn độc, mà phải có một ngôi mộ thứ hai cạnh đó”.

 "
" Cây đèn hình người quỳ hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Ảnh: Tư liệu
Chỉ một thoáng sau, Janse và đồng nghiệp là Renée đã tìm thấy khoảng nửa tá mộ lớn khác trong một diện tích tương đối nhỏ gần đó. Họ ghi lại dấu tích trên bản đồ để sau này có thể tìm lại được trước khi trở về thị xã Thanh Hóa. Một công việc đã mở ra…
Ngôi mộ thứ ba
Thỏa thuận với các chủ đất để có thể tiến hành khai quật diễn ra suôn sẻ. Nhưng ngôi mộ đầu tiên cho thấy bọn trộm cổ vật đã nhanh chân hơn các nhà khảo cổ. Ngôi mộ thứ hai cũng trong tình trạng bị “chôm chỉa” tương tự.
Sự nghèo nàn của hiện vật khai quật chỉ chấm dứt khi các nhà khảo cổ khai quật ngôi mộ thứ ba. Nắp mộ mong manh chưa bị ai động đến đã mách bảo đây là ngôi mộ đầu tiên từ thời Hán chưa bị xâm hại. Điều đó đúng. Ngay khi đào chưa sâu, nhóm đã phát hiện một lượng lớn bát sành bóng còn nguyên vẹn và phần lớn màu trắng, được nung già lửa.
Những nghiên cứu sau này cho thấy đồ gốm trong mộ do người Trung Hoa sản xuất. Mặc dù vậy, sản phẩm kim loại lại chịu ảnh hưởng Ấn - Hy Lạp cổ. Đây là điều đặc biệt thú vị. Trong ngôi mộ thứ ba này, ngoài một thanh kiếm sắt còn có một cây đèn bằng đồng hình người quỳ bằng đầu gối, một hình người cũng bằng đồng, nhiều chũm chọe. Những đồ tìm thấy đặc biệt ở chỗ, chúng là những cổ vật hiếm hoi và không theo kiểu chôn đồ tế lễ dưới thời Hán.
“Nhưng điều kỳ diệu nhất chính là một vật kim loại đã gỉ, được cát bao bọc mà ngay lúc đó, không ai có thể nhận ra đó là vật gì”, Janse cho biết.
Cây đèn kỳ bí
“Với dao làm bằng tre và bàn chải, chúng tôi đã làm sạch dần cát bám xung quanh và có thể khẳng định đây là một bức tượng đồng hiếm có”, ông Janse miêu tả rất rõ trong nhật ký khảo cổ.
Bức tượng đồng chính là cây đèn được làm theo hình người quỳ gối. Hai vai và trên lưng có 3 cành chữ “S”. Mỗi nhánh chữ “S” này đỡ một bát đèn dầu. Mỗi một cành lại có một hình người hai tay ôm lấy ở phần cuối. Giữa mỗi cành lại có một hình người nhỏ đang quỳ. Tay của những hình người này đang chắp lại vái hướng vào nhau. Cử chỉ của hình người này cho thấy họ là những vũ công. Ngoài ra, trên chân của những tượng này có 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ. Hai nhạc công là người thổi sáo và hai nhạc công khác đang chơi một loại nhạc cụ chưa rõ.
Tóc của người quỳ được mô tả bằng những cuộn hình xoáy ốc. Đây là đặc điểm thường thấy đối với các tượng Phật Budda của Ấn Độ và Viễn Đông. Nó cũng rất tiêu biểu cho nghệ thuật Gandhara Hy Lạp cổ đại.
Vành khăn trên trán bức tượng cho thấy dấu hiệu của bậc vương giả. Con mắt không nhìn xuôi mà có tỷ lệ lớn và mở rộng. Theo văn hóa Hy Lạp cổ đại, điều này chứng tỏ sắc đẹp của người được miêu tả. Hình trên các cánh tay cũng được trang trí tinh tế. Vòng bụng đầy đặn thể hiện sự sung túc của chủ nhân. Trên hai vai và ngực mang đồ trang sức có thể hình dung là một chuỗi hoa sen hoặc đồ trang sức được trang trí hoa văn hoa sen. Các cánh tay đeo vòng và xung quanh bụng có đeo thắt lưng. Những vật trang sức này đều mang mô típ hoa sen.
Mặc dù người đàn ông ở tư thế quỳ nhưng đây không phải là người hầu hạ hoặc người ở vị trí thấp hèn như người ta thường thấy. “Vương miện” và những vật trang điểm cho thấy đây là bức tượng thể hiện một bá tước hoặc một vị thánh. Trong tương quan với các nhạc công, vũ nữ đang cầm đèn, người quỳ cũng có kích cỡ lớn hơn nhiều. Mà trong nghệ thuật cổ điển, chính quan hệ kích cỡ này thể hiện sự khác nhau về cấp bậc giữa một vị thánh với người bình thường khi sắp xếp cạnh nhau.
Những cành cây chữ S của cây đèn này hết sức tự nhiên. Viện bảo tàng Toronto cũng lưu giữ một cây đèn nhiều nhánh của Trung Hoa mà các nhánh cũng được làm như cành cây. Do đó, có thể kết luận cây đèn hình người mang trên vai và sau lưng mình những cành cây. Điều này gợi nhớ đến việc vị thần cổ đại Hy Lạp trông nom cái chết và sự sống thường được vẽ với những cành cây cắm sau lưng.
Theo Janse, nếu như cây đèn thể hiện nền văn hóa Hy Lạp chịu ảnh hưởng bởi tôn giáo thần bí thì người ta cũng phải tính đến khả năng ngay cả ánh sáng đèn cũng nhằm hoàn thiện một chức năng thần bí. Trong các tôn giáo thần bí phương Đông, những hoạt động tế lễ vào ban đêm thì ánh sáng đóng vai trò cơ bản. Điều này có quan hệ gần gũi với những ý tưởng về vũ trụ bao la và được xem là phản ánh sự cao quý của mặt trời, trăng, sao.
Chính vì thế, theo nhà nghiên cứu này, ánh sáng của cây đèn mà giờ đã là bảo vật quốc gia này có thể được hiểu như ánh hào quang chói lọi. Chính hào quang ấy đem lại cho con người lòng tôn kính thần thánh, tín ngưỡng và sự bất tử.            
Ngô An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét