Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Giai thoại về câu đối liên quan đến Lạn Tương Như ( Dd st)


         Trong giai thoại văn học Việt Nam có lưu truyền câu đối nhắc tới Lạn Tương Như. Truyện kể vào thời Hậu Lê, có một người học trò tên là Hoè, trùng tên với quan chủ khảo, vì vậy khi anh vào thi, người xướng danh gọi chệch đi là "Huề". Anh học trò không chịu vào, mãi tới khi người xướng danh phải gọi "Hoè" anh mới chịu vào.

       Quan chủ khảo sai người giữ lại, hỏi vặn nghĩa lý văn chương, nhất nhất Hòe đều trả lời rành mạch. Quan liền ra một câu đối:

        - Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, danh tương như, thực bất tương như. (Ông Lạn Tương Như và ông Tư Mã Tương Như, hai ông cùng là Tương Như nhưng sự nghiệp khác nhau, có ý nói hai người cùng tên là Hòe, nhưng một đằng là quan, một đằng là học trò, bì thế nào được).

        Hòe liền đối lại:

    - Ngụy Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, bỉ vô kỵ, ngã diệc vô kỵ. (Ông Ngụy Vô Kỵ và ông  Trưởng Tôn Vô Kỵ, hai người cùng tên là Vô Kỵ, tên ông Vô Kỵ, tôi cũng tên Vô Kỵ. Điều đáng nói là chữ “vô kỵ” có nghĩa là không sợ! ).


Quan chủ khảo thấy đối hơi xấc, bèn ra câu nữa:

- Xỉ tính cương, thiệt tính nhu, cương tính bất như nhu tính cửu. (Răng rắn, lưỡi mềm, rắn hay gãy, sao bằng mềm bền dai. Có ý khuyên nên nhũn chứ đừng ngông nghênh như thế).


Hòe đối lại:

- Mi sinh tiền, tu sinh hậu, tiền sinh bất nhược hậu sinh trường! (Lông mày mọc trước, râu mọc sau, mọc trước lại ngắn sao bằng mọc sau dài). 


Năm ấy, Nguyễn Hòe đỗ thủ khoa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét