Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

THẦN TÍCH NGA MY THƯỢNG ( Phần 3: bản in đối chiếu)


Phần ba
BẢN IN ĐỐI CHIẾU
Chữ Hán – Phiên âm – Dịch nghĩa
( Do TS. Nguyễn Đình Đức thực hiện)





Dịch nghĩa
Sự tích hai vị Đại vương thời Hán Chiêu Đế đến Hán Ai Đế thuộc chi Cấn thượng đẳng. Bản chính của bộ Lễ Quốc triều (thôn Thượng thờ phụng).
Thời Long Biên nước ta còn nội thuộc vua Hán Chiêu Đế. Bấy giờ có ông họ Đặng tên huý là Vận, tổ tiên được nhận tước phong, con cháu nối đời tập ấm. Ông lấy người trong quận họ Tạ tên huý là Thị Cẩn cũng là con nhà Thi Lễ, dòng dõi trâm anh thật là môn đăng hộ đối. Ông dạy học nhưng lại tinh thông y thuật thường thích làm việc thiện hay cứu giúp những người nghèo khổ. ờng, đã ngoài 60, vợ cũng ngoài 40 tuổi mà chỉ sinh được mấy người con gai chưa có con trai. Vì thế ông bà đem người cháu tên là Quang (sinh giờ Mão ngày mùng 9 tháng Giêng năm Kỷ Dậu) vốn không có nơi nương tựa về nuôi. Về sau ông bà sinh hạ được ông Thiện (sinh giờ Sửu ngày 12 tháng 11 năm Giáp Ngọ) tướng mạo khác thường, thông minh dĩnh ngộ. Năm ba tuổi đã hiểu lễ nghĩa, hay kính nhường, nghe học đã thuộc, nghe nhạc nhớ ngay. Bảy tuổi đến trường học, 13 tuổi thông hiểu sử sách lại giỏi cả võ nghệ, sĩ tử đương thời đều bái phục và xưng tụng là Thánh đồng. Năm 18 tuổi cha mẹ đều qua đời (ngày mùng 5 tháng 5 năm Giáp Thân). Để tang ba năm xong ông cùng người em họ là Quang rất quan tâm đến việc đạo nghĩa để dạy dỗ sĩ dân. Nghe tin ở Giao Châu giáo hóa chưa được rõ ràng, tôn ti trật tự chưa có nề nếp, ông dần dần đem điều thiện cải hóa mọi người khiến dân chúng sau này đều biết lễ nghĩa, phong tục tốt đẹp ở Nam Châu đều nhờ công lao của ông. Dân chúng rất kính trọng suy tôn ông làm Châu trưởng. Lúc đó vua Chiêu đế nhà Hán sai Chu Chương làm Thái thú Giao Châu. Nghe tin ông đã dạy dỗ và được dân cảm phục liền dâng sớ tiến cử, vua Hán rất khen ngợi phong ông vào hàng các quan lớn tước Hầu. Nhận chức xong ông liền đi thăm thú các huyện ấp để xem xét dân tình. Chợt đến trại Nga My bên bờ sông thấy dân chúng nơi đây chất phác ít được học hành ông bèn truyền lệnh dựng ngay nhà trên bờ sông để dạy dân chữ nghĩa. Mới được một năm dân ở đây ai cũng kính trọng ông. Gặp lúc quận trưởng của 7 quận: Châu Nhai, Đam Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phiên Ngung, Lộc Lãnh nổi loạn, đời sống của dân chúng náo động. Vua biết tin hỏi ý các đình thân để trù tính kế sách dẹp giặc. Thái thú bản châu là Sầm Bành biết ông là người đức độ được dân mến phục, ắt có thể dẹp được loạn liền tiến cử lên vua. Nhà vua ưng thuận sai ông làm chức Châu thú đem quân đi dẹp giặc. Ông bèn trao cho ông Quang thay mình ở lại hành tại Nga My dạy dỗ giáo hóa dân. Đồng thời ông tuyển chọn được hơn 500 gia thần đi theo. Ông lại truyền hịch đi các quận huyện, người đi theo kể tới vì vạn, ấn định ngày giờ, đoàn quân tiến thẳng đến áp đảo quận Cửu Chân. Ông lệnh cho tướng sĩ chia nhau đóng đồn kiên thủ không ra khiêu chiến. Nhân đó lại sai quan văn viết hịch, lấy tín nghĩa để hiểu dụ, lấy họa phúc để răn đe giặc. Nghe những lời lẽ xác đáng bọn giặc tỉnh ngộ bó giáo lai hàng, 7 quận trở lại yên ổn thanh bình, ông bèn chỉnh đốn quân sĩ trở về phủ (tức đất Long Biên). Từ khi ông làm Thái thú hình phạt được giảm nhẹ, dân chúng đều an cư lạc nghiệp. Lúc rảnh việc ông lại trở về hành tại Nga My giảng giải cho dân những điều ân nghĩa, dân chúng đều bái tạ, nhân xin lấy chỗ hành tại khi ông sống làm sinh từ khi ông mất sẽ làm nơi thờ phụng. Ông ưng thuận rồi cùng ông Quang trở về Châu huyện, sai thay mình đến cống vua Hán đồng thời cho ông Quang làm việc ở phủ. Lúc đó ông đã 70 tuổi, một hôm đang ngồi ở phủ đường ông bỗng thấy có một luồng ánh sáng đỏ từ trong người bay vút lên không trung rồi biến mất. Ngày hôm đó ông không bệnh tật gì mà hóa (vào ngày mùng 10 tháng 8 năm Bính Ngọ). Ông Quang đem sự việc tâu lên, vua sai sứ đến tế và an táng ngay ở đó (Long Biên), lại phong cho làm phúc thần cho dân phủ lập miếu thờ phụng. Ngoài ra những nơi như Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam, Hải Dương, Nga My thường được hưởng sự giáo hóa của ông đều được rước mĩ tự về thờ phụng.
Sau khi ông qua đời vua Hán sai ông Quang thay quyền cai trị phủ. Đến thời vua Ai Đế nhà Hán, Đặng Nhượng làm Thái thú đô hộ, gặp lúc Vương Mãng nổi loạn, Đặng Nhượng sai ông Quang giữ chức trấn giữ cửa ải. Quân ông vừa đi đến Sơn Nam bất ngờ quân Hán rầm rập kéo đến. Ông nói quân Hán đang đánh nhau với Vương Mãng thì cớ gì kéo sang nước Nam, liền sai đóng cửa quan không cho vào. Tướng Hán rất tức giận sai phá cửa quan tiến thẳng vào địa phận nước ta. Thấy quân Hán cứ ào ào kéo vào thế rất mạnh ông lập tức rút quân về Nga My. Chẳng bao lâu quân Hán đến kịp, nhân lúc đêm tối chúng bủa chặt vòng vây. Ông cưỡi ngựa xông ra cự chiến, đến bên đường ông ngửa mặt lên trời mà than rằng: Kẻ bề tôi thờ vua dẫu chết cũng không hai lòng, không ngờ đến nông nỗi này có lẽ chỉ có trời mới hiểu ta chăng? Nói rồi ông hoá ở xứ Khu Đống (nhằm ngày mùng 10 tháng 2 năm Đinh Mùi). Trong khoảnh khắc nước sông cuộn sống sôi sùng sục, thuồng luồng, ba ba nổi đầy mặt nước quân Hán kinh sợ bèn bỏ chạy Đặng Nhượng đích thân chỉ huy tù trưởng bảy quận đi dẹp giặc, quân Vương Mãng không dám kéo đến xâm lược nữa. Từ khi ông Quang qua đời dân ấp thờ phụng cả hai người thờ phụng ở trại Nga My. Đời Bình Đế nghe tiếng các ông có nhiều công tích với nhà Hán bèn sai sứ ban sắc phong tặng là:
-   Thiện Nguyên công, tế thế hộ quốc Đại Vương.
-   Quang Lai công Dực vận Hiển hựu Đaị Vương.
Cho phép các đền ở Nga My, Cửu Chân, Nhật Nam, Hải Dương cùng thờ phụng hai ông.
Ngày lành tháng tốt năm Kỷ Hợi, nước Đại Nam niên hiệu Thành Thái thứ 11 (1899) Nguyễn Hữu Dực phụng sao, dân chúng hai thôn của bản ấp thờ phụng.
Sự tích Đại vương Thành hoàng Thượng đẳng y như bản chính (bản chính cũ bị thất lạc, bản này do mới đến đền Hùng xin sao lại để lưu truyền rộng rãi, bản sao gồm năm trang.)
Vào năm 1998 bản thần tích thôn Thượng đã được PGS.TS Đỗ Thị Hảo nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm phiên âm dịch nghĩa.
Ngày 12 tháng 4 năm 2010 Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức kính cẩn sao lại bản bản thần tích thôn Thượng bằng chữ Hán sau đó phiên âm, dịch nghĩa lại trên giấy dó.


































































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét