Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

THẦN TÍCH NGA MY THƯỢNG (Phần mở đầu)


                                                     Biên soạn: TS. Nguyễn Đình Đức






THẦN TÍCH
THÔN NGA MY THƯỢNG
VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN






Hà Nội 2010





  Nhớ câu "Nga Sơn - Hát Thủy",
Ngàn năm chuyện cũ còn đây,
Bể dâu dẫu nhiều thay đổi,
Trời xanh vẫn mây trắng bay.



Ảnh: Nguyễn Tiến Bình


Lời mở đầu


      Ngày 03/9/1949, Đình làng ta bị giặc Pháp đốt, Thần phả và các sắc phong đều mất cả. Hơn 40 năm, mọi việc chỉ còn dựa vào trí nhớ của các bậc cao niên trong làng.

      May thay, vào năm 1994, cụ Nguyễn Huy Hiên (sinh năm 1928, sống tại xóm Thượng Du ) đã tình cờ sưu tầm, phô tô lại được 5 trang Thần tích của làng Nga My Thượng. Đây cũng có thể coi là một kỳ công, vì phát hiện được người đang  lưu giữ bản Thần tích đã khó, mà mượn được để đi phô tô lại càng khó hơn. Không hiểu sao bản gốc Thần tích của làng ta lại  nằm trong tay một người ở thôn bên cạnh, trong khi mọi người trong làng tưởng rằng tất cả đã cháy, mà lại những hơn 40 năm im hơi lặng tiếng (?).

        Bản Thần tích phô tô nhờ công của cụ Nguyễn Huy Hiên thật đáng quý. Nó như ngọn đèn soi rọi lại gốc tích “Thần – Người - Đất” quê ta từ mấy ngàn năm trước; đến lúc này lớp hậu sinh chúng ta mới biết rõ Thần Thành hoàng làng ta là ai, gồm mấy người, lúc tại thế đã sống và có mối quan hệ với người và đất Nga My như thế nào, vì sao lại là Thành Hoàng của làng ta. Ngoài những thông tin đó, bản Thần tích còn cho chúng ta biết; Nga My ngày xưa về mặt tổ chức hành chính gọi là Trại, đến thời Nguyễn lại gọi là Ấp, trong Ấp có hai Thôn; từ ngàn xưa đã có tên là Nga My và sau mới chia ra Thượng, Hạ. Người Nga My Thượng hiền lành, chất phác, thủy chung sau trước, mấy ngàn năm nổi chìm, sẻ chia mọi nỗi vui buồn cùng đất nước. Cái tên “ Nga My” cũng đã có từ thuở đó. Nga My là tên ngọn núi đẹp nhất ở phương Bắc; vì vậy, tuy quê ta không có núi, nhưng về mặt phong thủy, các cụ vẫn nói rằng quê ta có núi, có sông; núi là núi Nga My, sông là sông Hát ( Hát Giang, đoạn qua quê ta nay gọi là sông Đáy),  thường gọi tắt là “Nga sơn – Hát thủy”. Có lẽ vì lý do phong thủy đó mà mấy ngàn năm, tên làng không thay đổi. Thời đó quê ta chưa có con đê hiện nay, phải đến thế kỷ 12 mới bắt đầu có con đê đầu tiên tức là gần 100 năm sau khi dời đô đến Thăng Long, đến đời Lý Nhân Tông (1107), con đê đầu tiên - đê Cơ Xá, mới được đắp. Đến thời nhà Trần, việc đắp đê và hộ đê được chú trọng và hệ thống đề điều mới phát triển. Năm 1248, Trần Thái Tông đã đặt ra cơ quan Hà đê, có chánh, phó sứ. Hệ thống đê quai vạc được coi là bước ngoặt trong lịch sử thủy lợi Việt Nam, được bắt đầu đắp từ triều đại này. Theo các nhà nghiên cứu, hơn hai ngàn năm trước mực nước biển thấp hơn ngày nay 6 mét, vì vậy đất đai cao ráo, không ngập lụt, phong cảnh  xứ  Bãi làng ta chắc là đẹp lắm, vì vậy  Thiện Công ( ông họ Đặng, tên húy là Thiện, sau này là một trong hai vị Thành Hoàng làng ta) khi đến Trại Nga My, mến cảnh, mến người, liền ra lệnh dựng nhà ngay bên bờ sông để dạy dân chữ nghĩa, sau này mỗi khi  quay lại,  đều lấy đó làm nơi  làm việc ở ( trong thần tích gọi là “hành tại”) Nga My. Chỗ “hành tại” đó được dân Nga My thờ Thiện Nguyên Công khi còn sống ( gọi là sinh từ) và khi ông mất cũng lập miếu thờ tại đó. Chắc chắn vị trí đó là nơi Quán Dưới trước đây tọa lạc. Để nói lên vẻ đẹp thâm nghiêm của nơi đó, có câu ca dao truyền lại rằng:

“  Lục Đầu Giang biết bao giờ cạn
Quán Nga My biết vạn nào cây”

     Quang Lai Công, trong trận đánh năm Đinh Mùi ( năm 14 trước công nguyên) chống quân Vương Mãng, gặp địch tại Sơn Nam, thấy thế giặc mạnh, đã rút quân về Nga My để liệu bề phòng ngự. Quân giặc đuổi kịp đến tận Nga My, Ngài cưỡi ngựa xông ra cự địch, quân thù xiết chặt vòng vây, thế giặc mạnh, biết rằng khó thoát nhưng không để bị giặc bắt, ngày 10 tháng 2 năm ấy, Ngài đã tuẫn tiết mà hóa ở Xứ Khu Đống làng ta, mộ của ngài nằm tại Khu Đống ( trong đó có Đống Thánh, Đống Mẻ, Đống Mồi, Đống Bằng, Đống Ba…không biết ở Đống nào), theo cụ Hiên, nay là khu Đồng Tắt ngoài; con ngựa chiến của Ngài cũng được dân chôn ở Xứ Nang ( nay gọi là Cầu Nang) gần đó. Sau khi  hóa, Ngài đã hiển linh, dòng sông Hát bỗng sóng to gió lớn, các loài thủy tộc cưỡi sóng nổi lên ầm ầm  làm cho quân Hán  kinh sợ mà bỏ chạy.
 
   Bản  Thần tích của làng ta do ông Nguyễn Hữu Dực phụng mệnh vua Thành Thái nhà Nguyễn, tới tìm lại bản gốc cũ từ các triều đại trước, lưu giữ ở Đền Hùng  và sao ( chép) lại vào năm Thành Thái thứ 11(1899)  với mục đích để dân Nga My biết rõ, lưu giữ và thờ phụng. Ngoài ra, qua bản sao này, thần tích cũng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian ( như vậy, chúng ta biết thêm một điều nữa là trước đây Thần tích có một bản chính được lưu giữ tại Bộ Lễ của Triều đình và ở Đền Hùng cũng lưu giữ một bản Thần tích của các bậc Đại vương Thành Hoàng Thượng Đẳng thần ).

       Cụ Hiên đã nhờ tiến sĩ Đỗ Thị Hảo, công tác ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chuyển từ chữ Hán ra phiên âm Hán – Việt ( là cách đọc chữ Nho của người Việt Nam ) và dịch nghĩa.

          Để tiện lưu giữ, in ấn và phổ biến đến nhiều người, năm 2010 tôi đã một lần nữa đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhờ chị Phạm Hương Lan rà lại bản dịch ( tiến sĩ Đỗ Thị Hảo đã nghỉ hưu), in một bản trên giấy dó để lưu trong Đình. Khi đó ông Hà Đắc Di chuyển cho tôi  tài liệu do Cụ Hà Đắc Thụy (1924 – 2008) đã dày công sao chép lại và dịch sơ bộ hệ thống câu đối, hoành phi ở Đình làng; tôi cũng nhận được từ Cụ Nguyễn Huy Hiên và ông Hà Đắc Di một số bài thơ tiêu biểu có liên quan đến quê hương và cuốn “ Làng Nga My Thượng” do ông Lê Quỳnh Lưu chủ biên, in, đóng quyển năm 2007. Tôi chợt nảy ra ý định biên soạn một cuốn tài liệu vừa mang tính tham khảo, vừa có ý nghĩa tuyên truyền, cung cấp cho những người yêu quê hương có ý định tìm hiểu sâu hơn. Bản chữ Hán, bản phiên âm và bản tiếng Việt của Thần tích, tôi lập bảng, chia đoạn để cạnh nhau cho dễ đối chiếu, tạo điều kiện cho những người không biết chữ Hán tham khảo; Hệ thống câu đối, hoành phi, cuốn thư, tôi về Đình chụp ảnh toàn bộ, kết hợp với tài liệu do cụ Hà Đắc Thụy để lại, tôi nhờ Viện Hán Nôm dịch và tôi sắp xếp hoàn chỉnh theo ý nguyện của cụ Hà Đắc Thụy để đưa vào tài liệu. Những điều tôi nghiên cứu có liên quan đến Thần tích, tôi cũng mạnh dạn chép vào đây, tạo tiền đề cho sự tìm hiểu, nghiên cứu tiếp theo của các bậc chuyên gia và các thế hệ trẻ sau này.
            
Trong các câu đối ở Đình làng, qua hai câu  đối:

Hữu mạc quan nghi tăng lẫm liệt
Cô Lê quốc tế thượng hinh hương
và:
Thần công phô luyện tham thiên địa
Quốc tế hinh hương vĩnh trụ duy
   
    có thể hiểu, đời nhà Lê và có lẽ có một thời kỳ đời nhà Nguyễn, hai vị Đại vương Thành hoàng làng ta đã từng được tế lễ theo nghi thức cấp quốc gia ( quốc tế) do Triều đình chủ tế.

Một đóng góp nho nhỏ, như một nén hương thơm dâng lên Nhị vị Thành Hoàng, một tâm tư đau đáu  gửi  về quê hương. Những gì không mất, còn lại trong tôi từ thuở ấu thơ cho đến ngày nay, sau hơn 50 năm xa quê, những gì tôi mới tiếp nhận được ở cái tuổi “ Lục thập nhi nhĩ thuận” (Sáu mươi tuổi nghe thuận lẽ trời) đều đáng quý, đáng trân trọng và tôi coi đó là “Hồn quê” trong tôi.

     Quán Dưới, Quán Trên, nơi các Ngài “hành tại Nga My” hiện còn dấu tích, Khu Đống còn kia, Xứ Nang còn đó, dòng Hát giang tuy chẳng cuộn sóng như xưa, nhưng lòng người dân xứ Nga My vẫn thủy chung sau trước, vẫn như ngọn núi vươn giữa trời cao, cùng với đồng bào của mình gìn giữ và xây dựng non sông tạo nên Đất Nước Việt Nam này.
      Với sự thành kính trước các bậc Tiền Nhân, tấm lòng tha thiết với quê hương, lấy điểm tựa từ trong quá khứ, mong mỏi quê hương ta ngày càng  giàu đẹp để những người con lấy chỗ đi về.

Xin cám ơn sự cộng tác chặt chẽ của Ban Khuyến học, của cụ Nguyễn Huy Hiên, cụ Hà Trọng Huấn, ông Hà Đắc Di đã giúp nhiều tư liệu và động viên người biên soạn tài liệu này.

               Hà Nội ngày  08 tháng 9 năm 2010
              (Tức ngày 01 tháng Tám năm Canh Dần)

                         TS. Nguyễn Đình Đức








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét