( Theo TTCN 17.9.2011)
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cho thấy họ đang ẩn nhẫn chờ thời qua tuyên bố của Văn Trọng Lượng, phó vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Trung Quốc: “Chúng tôi hi vọng Libya, sau khi ổn định trở lại, sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích và quyền lợi của các nhà đầu tư Trung Quốc. Chúng tôi hi vọng được tiếp tục đầu tư và hợp tác kinh tế với Libya” (2).
TTCT - “Tập đoàn dầu hỏa CNPC vừa chấm dứt sáu dự án hải ngoại của mình, thiệt hại khoảng 1,2 tỉ NDT” - Tân Hoa xã Anh ngữ 22-8-2011 loan báo. Đây là “tai biến ngoài ý muốn” của “canh bạc” thay đổi quyền lực ở Libya trong sáu tháng qua mà Trung Quốc phải gánh chịu sau khi phe nổi dậy lật đổ ông Gaddafi.
Một chuyến tàu chở các lao động Trung Quốc tại Libya hồi hương - Ảnh: dailycaller.com |
Các dự án hải ngoại vừa bị chấm dứt đó của Trung Quốc chính là các dự án đầu tư ở Libya, trong đó có các dự án khai thác dầu hỏa của Tập đoàn dầu hỏa quốc gia CNPC. Trước đó, cùng ngày 22-8, khi quân nổi dậy đang tiến vào Tripoli, Bắc Kinh đã vội lên tiếng yêu cầu Libya (“chung chung” không nêu danh chế độ Libya nào) bảo vệ các dự án đầu tư của mình, sau khi một thành viên phe nổi dậy lên tiếng đe rằng các công ty dầu hỏa Trung Quốc có nguy cơ mất hợp đồng vì đã không hậu thuẫn phe nổi dậy trong cuộc chiến chống chế độ Muammar Gaddafi (1).
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, 75 công ty, xí nghiệp nước này đã đầu tư vào Libya khoảng 50 dự án với tổng vốn khoảng 18,8 tỉ USD. |
Trung Quốc nay có là “nạn nhân” của chế độ mới sẽ ra mắt ở Libya không có gì là khó hiểu. “Ân đền oán trả” trên là rất thường tình sau những vụ thay đổi chế độ. Càng không là ngoại lệ trong trường hợp Libya, nay phe nổi dậy đang “tính sổ” sau sáu tháng giao tranh đẫm máu với chế độ Gaddafi.
Từ lá phiếu thuận nghị quyết 1970...
Thật ra, ban đầu Trung Quốc cũng không mặn mà gì với việc bảo vệ chế độ Gaddafi trước công luận quốc tế sau những vụ đàn áp đẫm máu người biểu tình.
Trong phiên họp hôm thứ bảy 26-2-2011, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc, trong đó Trung Quốc là thành viên thường trực có quyền phủ quyết, đã tuyệt đối thông qua (15/15 phiếu) nghị quyết 1970 (3) phê phán việc vi phạm nhân quyền mạnh mẽ và có tính hệ thống của chính quyền Libya, đàn áp những người phản kháng ôn hòa, lên án việc chính phủ cấp cao nhất kích động đối nghịch và bạo lực chống lại thường dân. HĐBA cũng đã quyết định cấm vận vũ khí Libya, phong tỏa tài sản các cá nhân lãnh đạo…
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Lý Bảo Đông đã giải thích lá phiếu của nước ông như sau: “Trung Quốc quan ngại sâu sắc trước tình hình hiện nay ở Libya. Trong mắt chúng tôi, cần khẩn thiết đảm bảo ngưng bắn tức khắc, tránh đổ máu thêm nữa và tổn thất nơi thường dân, khôi phục ổn định và trật tự bình thường càng sớm càng tốt, và giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay bằng các phương tiện hòa bình, tỉ như đối thoại. An toàn và lợi ích của người nước ngoài tại Libya phải được đảm bảo qua tiến trình này...”.
Như vậy Trung Quốc cũng lên án việc chế độ Gaddafi đàn áp đẫm máu, đồng thời đồng thuận các biện pháp cấm vận vũ khí, kinh tài, sau khi đã quan sát phản ứng của các nước châu Phi và Ả Rập.
Một thành viên quân nổi dậy ở Libya ngồi tại điểm kiểm soát lối vào cảng dầu hỏa Ras Lanuf ngày 27-8 - Ảnh: Reuters |
…Đến lá phiếu trắng nghị quyết 1973
Sang đến ngày 17-3-2011, HĐBA Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết 1973 (10 nước bỏ phiếu, 5 nước bỏ phiếu trắng). Nghị quyết 1973 (4) này yêu cầu nhà chức trách Libya tiến hành mọi biện pháp để bảo vệ thường dân, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ, cho phép các quốc gia thành viên hành động phối hợp với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tiến hành mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ thường dân cùng các khu vực dân thường sinh sống đang bị đe dọa tấn công, kể cả ở Benghazi, ấn định lệnh cấm mọi chuyến bay trên không phận Dân quốc Ả Rập Libya nhằm giúp bảo vệ thường dân…
Bằng nghị quyết 1973, tuy chỉ 10 phiếu thuận và 5 phiếu trắng, HĐBA Liên Hiệp Quốc đã bật đèn xanh cho một hành động can thiệp quân sự vào Libya tuy vẫn loại trừ mọi lực lượng chiếm đóng ngoại quốc dưới mọi hình thức tại bất cứ phần lãnh thổ nào của Libya.
Hôm ấy, đại sứ Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng cùng với đại diện của bốn nước khác là Đức, Brazil, Ấn Độ và Nga. Năm lá phiếu trắng này tuy không tán thành các hành động can thiệp song cũng không bác bỏ, mang dáng dấp của một sự phân cực mới mang tính tranh chấp kinh tế hơn. Đức là đầu tàu kinh tế châu Âu, không chung lợi ích kinh tế với các nước EU “chủ chiến” là Anh và Pháp. Trung Quốc cùng Brazil, Ấn Độ và Nga thì đang trong một tập hợp các cường quốc kinh tế mới nổi lên gọi là BRIC, còn được gọi là Big Four (Tứ đại gia).
Chỉ sáu tháng sau cuộc bỏ phiếu nghị quyết 1973 đó, quân nổi dậy tiến vào thủ đô Tripoli. Abdeljalil Mayouf, phụ trách truyền thông của Hãng dầu Agoco trong tay phe nổi dậy Libya, cho biết phe nổi dậy không phiền hà gì việc các công ty phương Tây lưu lại Libya, song tình hình sẽ rất căng đối với các công ty của Nga, Trung Quốc và Brazil (5).
Kịch liệt phê phán can thiệp
Hai ngày sau khi nghị quyết 1973 được thông qua, liên quân bắt đầu oanh kích Libya (19-3). Không đầy một tuần sau, hôm 25-3, Trung Quốc đã nhanh chóng lên tiếng yêu cầu ngưng bắn ngay lập tức. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du phát biểu: “Phải tăng cường nhắm đến mục tiêu nhân đạo ở Libya và đừng làm trầm trọng hơn nữa tình hình vốn dĩ đã là bi thảm”.
Phải có gì đó đặc biệt lắm mới khiến Trung Quốc giãy nảy lên như thế. France 24h ngày 25-3-2011 giải thích: “Từ mấy năm qua, cùng với nhiều nước khác của lục địa châu Phi, Libya đã trở thành một đối tác kinh tế quan trọng của Trung Quốc, với hàng tỉ đôla đầu tư. Đùng một cái, vụ can thiệp quân sự vào Libya đã làm thay đổi cục diện! Các vụ oanh tạc không chỉ buộc Trung Quốc phải hồi hương 35.000 người, mà còn phương hại đến lợi ích của họ”.
Deborah Brautigam, chuyên viên về quan hệ Trung Quốc - châu Phi thuộc ĐH Washington, giải thích với France 24h về lý do Bắc Kinh ra sức lên án các vụ không kích vào Tripoli: “Hạ tầng cơ sở kinh tế của Trung Quốc tại Libya bị trúng đạn, công nhân phải hồi hương. Không phản đối thì sẽ bị dân chúng trách là không biết bảo vệ lợi ích.
Thật ra Trung Quốc cũng không muốn trở mặt với HĐBA, do lẽ Trung Quốc còn cần HĐBA che chắn lâu dài trong các vụ việc liên quan đến Đài Loan hay Tây Tạng. Trung Quốc đã nghe ngóng “nhịp đập” của Liên minh châu Phi cùng các nước Ả Rập để quyết định. Nếu Liên đoàn Ả Rập không ủng hộ việc thiết lập vùng cấm bay thì Trung Quốc cũng đố dám làm ngơ cho qua.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã không thể có được sự hậu thuẫn trọn vẹn từ phía các nước châu Phi. Trung Quốc cố gắng tháo gỡ lệnh cấm vận cho chế độ Mugabe ở Zimbabwe, song hậu thuẫn của châu Phi rất ư là lỏng lẻo. Trong số 52 quốc gia châu Phi này, bất cứ nước nào cũng có thể trở mặt ngay” (6).
Cứu quan hệ như cứu hỏa
Chỉ bốn ngày sau khi chiến dịch không kích bắt đầu, hôm 22-3 Trung Quốc đã phải xếp lại chuyện làm ăn ở Libya. Press Trust of India cho biết: “Trung Quốc đã quyết định ngưng mọi hoạt động đầu tư ở đất nước Bắc Phi này sau khi có những báo cáo tổn thất từ các công ty của mình”.
AFP ngày 25-3 thêm một chút chi tiết: “Tập đoàn dầu hỏa CNPC cho hay một số cơ sở của họ bị tấn công ở Libya. CNPC không cho biết chi tiết thiệt hại tại các địa điểm này, song theo công ty này, toàn thể 391 nhân viên Trung Quốc của công ty tại Libya đều an toàn, và việc di tản bắt đầu với 24 người đã về đến Trung Quốc”. AFP cho biết các công nhân Trung Quốc ở Libya làm việc trong lĩnh vực dầu hỏa, đường sắt và viễn thông.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, 75 công ty, xí nghiệp nước này đã đầu tư vào Libya khoảng 50 dự án với tổng vốn khoảng 18,8 tỉ USD. Thiệt hại trực tiếp do bom đạn hay gián tiếp do chiến sự khiến đình trệ là bao nhiêu chưa rõ, chỉ biết riêng Công ty dịch vụ dầu hỏa COSL trong báo cáo quý 2 đã khai lỗ 65,7 triệu NDT.
Hôm 25-8, tức ba ngày sau các tuyên bố hốt hoảng ban đầu, một quan chức khác đã cho thấy Trung Quốc đang tích cực tìm cách “chuyển bại thành thắng”. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Thẩm Đan Dương tuyên bố: “Trung Quốc sẵn sàng tiến hành hợp tác với các đối tác Libya và đóng góp một cách tích cực vào việc tái thiết Libya”. Hứa hẹn sau cùng này có vẻ như hiện thực với sức mạnh kim tiền mà Trung Quốc đang có trong tay.
HỮU NGHỊ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét