Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

LÀNG NGA MY THƯỢNG: TỔ CHỨC HÀNH CHÍNH - DÂN CƯ



Theo Thần phả, dân tứ xứ về đây lập ấp đã 2089 năm. Ngày ấy hoang sơ, dân còn thưa thớt với cái tên là làng Nga My. Theo thời gian dài, dân số tăng dần mới có tên gọi Nga My. Và cũng từ đấy tách thành 2 làng với quy ước "Đinh quân tam, điền quân ngũ". Đó là làng Nga My Thượng và Nga My Hạ. Dựa vào phả của một số dòng họ, ngày ấy khoảng 200 năm về trước.
Làng Nga My Thượng từ xa xưa đã chia thành nhiều xóm cho mãi đến bây giờ, cho dù tên xóm có thay đổi. Một hai xóm, cái tên xưa cũng ít ai nhắc tới.
Từ Ba Hàng Mai vào chừng hơn cây số là xóm Thượng Du (còn gọi là đội 5). Ngay đây là hình ảnh cây đa, giếng nước trước cổng trường tiểu học xã. Xa hơn một chút, phía trái là Trạm xá. Phía phải là nghĩa trang liệt sỹ, khu văn phòng Uỷ ban nhân dân xã và Trường Trung học cơ sở. Riêng nghĩa trang liệt sỹ được xây năm 1956, còn tất cả đều được xây dựng sau năm 1975.
Theo đường trục làng chừng vài trăm mét rẽ phải là xóm Nhân Nội (nay có tên Đội 6). Xóm này nhỏ, xưa có con đường lầy lội, nay đã đổ bê tông, rộng, thẳng và đẹp đi qua đồng Thanh lên đê. Quay trở lại là xóm Trung Du, giáp đình kết hợp với xóm Lan Đình Thượng sau đình có tên gọi Trung Lan (hay đội 7). Phía Đông xóm ngày xưa có ao 7 sào và chuôm, nay là hồ và cánh đồng rộng nên bốn mùa lộng gió. Qua đình, giáp với làng Nga My Hạ là xóm Lan Đình Hạ, xưa có tên là xóm Ải. Nay thường gọi là Lan Đình hay đội 8. Đội 8 bao gồm cả xóm Nhân Hiền và một số gia đình xóm Nhân Mỹ. Nơi đây, xưa có phong cảnh đẹp nhất làng, phía trước là cảnh "tam giao thủy". Đường làng và đường xóm giao nhau tạo thành chữ thập. Bởi vậy, cụ Chu Văn Tộ có thơ vịnh. Tất cả cảnh đó, nay không còn nữa.
Đi tiếp ra phía đê là xóm Nhân Hiền, còn gọi là xóm Giữa, rồi đến xóm Nhân Mỹ, còn gọi là Ngõ Ba. Con người hai xóm này có khát vọng tài và đẹp. Song rất tiếc những địa danh trên giờ không nhắc đến. Xóm cuối cùng giáp đê gọi là Phượng Lĩnh còn gọi là xóm Ngoài. Giờ đây, Phượng Lĩnh thường gọi là đội 9 bao gồm cả một số gia đình xóm Nhân Mỹ.
Các xóm ngày xưa thường có từ một đến hai cái điếm thờ thổ công thường làm giữa xóm. Hàng này, điếm là nơi chuyện trò của người già và nơi vui chơi của trẻ nhỏ. Vào những tháng giáp Tết (xưa thường gọi là tháng củ mật) tuần xóm ra gác suốt đêm để bảo vệ an ninh cho xóm.
Điếm Thượng Du nằm trong khuôn viên nhà thờ họ Nguyễn Đại không còn. Điếm Nhân Nội, Trung Du còn nguyên vẹn. Đó là ba gian lợp ngói đã qua nhiều lần sửa chữa. Điếm Lan Đình Thượng xưa, nay đã thành nhà ở. Lan Đình Hạ hai chòm ngoài và trong đều có điếm. Chòm ngoài, điếm bây giờ chỉ là một nền đất bỏ không, còn chòm trong cũng không còn gì nữa. Điếm xóm Nhân Hiền, Nhân Mỹ mới khôi phục. Đó là một ban thờ có mái vòm nho nhỏ. Xóm Phượng Lĩnh có hai điếm. Điếm chòm trong không còn. Chòm ngoài điếm giáp đê. Đó là một cái nhà phía trước đắp vẽ khá đẹp có lối vào giữa xóm. Rất tiếc cũng không còn nguyên vẹn. Nay chỉ còn một bệ thờ mái vòm nho nhỏ ở phía Đông.
Dân số làng Nga My Thượng ngày nay khá đông, bao gồm 533 hộ với 2805 nhân khẩu. Đó là chưa kể nhiều gia đình lập nghiệp phương xa như Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh khác. Ở miền Nam, số gia đình di cư vào Nam năm 1954 rất ít. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, số người vào công tác và làm ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh khá đông. Chưa kể nhiều tỉnh cũng có người Nga My Thượng như Đồng Nai, Bình Dương, Sông Bé, Vũng Tàu. Lâm Đồng…
Điểm đáng chú ý là Ba Hàng xưa chỉ có vài nhà, nay dân ra ở đông như phố vậy.
Dân cư đông nên dòng họ cũng lắm. Có tới 17 dòng họ. Họ Nguyễn có tới 6 họ khác nhau. Họ Nguyễn Đại lớn nhất làng. Họ Lê có 4 họ. Họ Lê Xuân lớn thứ hai làng. Còn lại một số họ như Hà Trọng, Hà Văn, họ Tạ, họ Vũ có một số đinh hơn kém nhau không nhiều lắm. Họ Phạm nhỏ nhất làng. Dân cư các họ quần tụ bên nhau khá tập trung. Nguyễn Đại hầu hết ở Thượng Du và Trung Lan. Lê Xuân đông nhất ở Nhân Hiền và Lan Đình Hạ. Họ Tạ thì hầu hết ở Phượng Lĩnh. Hai họ Hà rải rác từ Phượng Lĩnh vào Nhân Mỹ, Nhân Hiền, Lan Đình Hạ.
Các họ đều có nhà thờ tổ. Xưa và nay chỉ có 3 họ nhà thờ xây kiên cố và khá đẹp. Đó là Nguyễn Đại, Nguyễn Văn, Nguyễn Khổng. Các họ còn lại đều thờ trong khuôn viên nhà trưởng họ. Dưới họ có nhà thờ bản chi. Nguyễn Đại có hai, nay chỉ còn chi Giáp cạnh đình. Dưới chi là ngành hay phái. Duy nhất chỉ có nhà thờ ngành 3 chi 3 họ Lê Xuân. Nhà thờ tuy nhỏ nhưng phần tiền kiến trúc khá đẹp, nội thất cũng khá.
Nói về bộ máy hành chính thì thời nào chả có, dù mục đích, tính chất khác xa. Thời phong kiến, thực dân, người đứng đầu trong làng là vị tiên chỉ có quyền lãnh đạo hai tổ chức là Hội đồng kỳ mục và Hội đồng hương chính. Hội đồng kỳ mục gồm Chánh, Phó hội, các vị đại diện các dòng họ.
Hội đồng hương chính có lý trưởng, phó lý trưởng điều hành mọi việc. Giúp việc lý trưởng còn có các chức danh khác như hộ lại phụ trách việc hôn thú, khai sinh, khai tử. Trưởng bạ lo về ruộng đất, điều chỉnh quyền sử dụng thổ canh, thổ cư. Trưởng tuần trông nom đồng bãi, đôn đốc phu phen.
Chức danh lý trưởng có trước năm 1945. Cách mạng tháng Tám thành công, bộ máy chính quyền cũ bị xóa bỏ. Chính quyền cách mạng được thành lập đã bầu Chủ tịch Uỷ ban hành chính lâm thời. Đầu tiên là Ông Nguyễn Đình Chi xóm Trung Lan.
Năm 1952, thực dân Pháp đặt lại chính quyền cai trị, chức lý trưởng duy trì một thời gian, sau đó thay bằng chức Xã ủy. Từ cuối năm 1953 đến tháng 7 năm 1954, chức danh Xã ủy được thay là Chủ tịch. Giúp việc Chủ tịch có Phó Chủ tịch và Tổng thư ký. Tổng thư ký làm công việc của chưởng bạ và hộ lại. Ngoài các chức danh trên có người đứng đầu các giáp (trước năm 1945) và các xóm. Người bị khinh rẻ nhất làng là "Chú Đốp", "Mẹ Đốp" còn gọi là Mõ làm nhiệm vụ đi các xóm ngõ thông báo lệnh của quan chức địa phương.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (Tháng 7/1954), quê hương được giải phóng, chính quyền làng không còn nữa. Thay vào đó là các tổ trưởng, đội trưởng sản xuất điều hành mọi việc.
Năm 1992 có chức trưởng thôn. Năm cụm dân cư có đội trưởng hay trưởng xóm. Bên cạnh đó là Mặt trận Tổ quốc bao gồm các đoàn thể: thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, người cao tuổi. Các đoàn thể đều có Ban chấp hành, người phụ trách đứng đầu với cái tên gọi thích hợp. Ngoài ra, bên Phật giáo có Hội chư già bao gồm các vãi.
Tất cả các tổ chức trên đều dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, đứng đầu là bí thư. Mỗi khi ý Đảng hợp với lòng dân thì phong trào mới "êm chèo, mát mái". Năm 2006, làng Nga My Thượng có nhiều đổi mới, tương lai đầy hứa hẹn.
       ( Trích trong cuốn " Làng Nga My Thượng" )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét