Thanh Niên Online - Thông tin về loại cây cỏ ngọt (stevia) có có độ ngọt gấp 300 lần mía đường gần đây được rất nhiều người quan tâm và săn tìm.
GS-Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Cây trồng VN, cho biết cây cỏ ngọt được ông đưa về VN trồng từ năm 1988 chủ yếu dùng trong dược phẩm. Do thiếu đầu ra, người trồng không mặn mà, có thời gian cỏ ngọt gần như bị lãng quên. Năm 2009, Mỹ và cộng đồng châu Âu chính thức khuyến khích sử dụng rộng rãi và thu mua cỏ ngọt thay thế đường. Cây cỏ ngọt dần dần được hồi sinh và trở thành mặt hàng “nóng” mang lại giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, công dụng mà cây cỏ ngọt mang lại không phải ai cũng biết. Theo ông, cỏ ngọt thuộc họ cúc, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, độ ngọt tự nhiên 100%, gấp 300 lần so với đường mía. Có thể coi đây là một loại đường không năng lượng, không chứa calo, dễ bảo quản do tính kháng khuẩn.
|
|
Trong công nghiệp thực phẩm, cỏ ngọt là chất phụ gia điều vị để sản xuất bánh mứt kẹo, rượu màu và nước giải khát cho người ăn kiêng. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang đề nghị thay thế 30% đường mía bằng loại đường từ cỏ ngọt. Tại VN, Hiệp hội Giống cây trồng VN đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án phát triển cỏ ngọt theo hướng công nghệ cao. Theo đó, cây cỏ ngọt được đưa vào trồng tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Lâm Đồng...
|
|
|
Cuộc sống hiện đại, ai cũng lo sợ mắc các căn bệnh “thời đại”. Vì vậy, khi hay tin cỏ ngọt được mệnh danh là chất ngọt “hoàng gia” tốt cho sức khỏe, trên các diễn đàn trên internet những ngày qua, nhiều người phát “sốt” vì tìm giống cây cỏ ngọt. Anh Bùi Thanh Việt (Vũng Tàu) cho hay, anh đã nhờ một người bạn lùng mua được 5 cây từ Hà Nội, gửi qua đường hàng không về trồng. Chị Đinh Thu Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Từ một năm nay, nhà mình uống nước cỏ ngọt thay nước đun sôi để nguội. Mỗi ngày, chỉ cần ngắt 3 lá cho vào ấm nước đun lên, uống ngọt hương vị rất dễ chịu”. Thông tin cỏ ngọt chữa được nhiều bệnh khiến cho những người nông dân trồng cỏ cũng được “thơm lây”. Ông Đỗ Quang Hòa, thôn Đại Cát, xã Liên Mạc, Từ Liêm cho biết, gia đình ông bắt đầu trồng cỏ ngọt từ năm 1988, nhưng mãi đến gần đây cây cỏ ngọt mới được để ý. “Từ cuối năm 2011, rất nhiều người ở nội thành về Liên Mạc tìm mua cây cỏ ngọt về trồng trong nhà. Tính ra giá bán giống hơn nhiều so với bán lá thành phẩm. Cũng giống như các loại cỏ khác, cỏ ngọt rất dễ sống”.
Theo kinh nghiệm của những người trồng cỏ, cây này có khả năng đẻ nhánh rất tốt. Nhánh già nhân giống, cắt râm cành xuống đất ẩm, phun sương, một tuần cây bén rễ. Mỗi năm có thể thu hoạch 3-4 lần. Tuy nhiên, phương pháp này thích hợp với những người trồng quy mô lớn, biết cách chăm sóc cây trồng. Còn với những hộ gia đình có quy mô nhỏ, trồng cỏ để sử dụng hằng ngày nên lựa chọn cây khỏe, có chất lượng. Hiện trên thị trường có một số công ty bán cây giống trồng với quy mô lớn với giá 350 đồng/cây, mầm giống 125 đồng/cây. Với những người không có điều kiện chăm sóc, có thể tìm mua lá khô tại các tiệm thuốc bắc trên phố Lãn Ông (Hà Nội) với giá 80.000 -100.000 đồng/kg hoặc mua trà túi lọc giá 35.000 đồng/hộp.
Thu Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét